Niềm vui của những người cán bộ “Nối dài cánh sóng phát thanh”

Lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Nguyễn Công Tính - Trưởng Đài Truyền thanh xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) hồ hởi tiếp tôi: “Mình vừa đi thay loa hỏng ở khu 14 và chuẩn bị nội dung về công tác thẩm định xét duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới nên khá bận. Bận nhưng mà vui và tự hào lắm lắm. Vậy là mong ước của cả chính quyền và nhân dân trong xã đã sắp thành hiện thực. Dự kiến, xã mình sẽ đón nhận danh hiệu “Đạt chuẩn nông thôn mới” trong mùa xuân này”. Tôi mỉm cười vui lây với niềm vui của anh và chợt nhớ đến câu ví von “Mỗi người làm truyền thanh cơ sở cũng giống như một cánh én nhỏ góp sức làm nên mùa xuân” khi được về Cổ Tiết hôm nay, một Cổ Tiết đã thay màu áo mới, đẹp đẽ, khang trang, sung túc, căng tràn sức xuân!

20170203-m3.jpg
 
“Cánh sóng truyền thanh” góp sức xây dựng nông thôn mới
 
Là một trong 3 xã được chọn làm điểm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Tam Nông, xã Cổ Tiết đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động huy động sức dân cùng tham gia xây dựng NTM, đặc biệt là tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh. Ngay từ năm 2013, xã đã mạnh dạn đầu tư bộ dựng phát thanh phi tuyến, máy in, máy tính cùng đầy đủ thiết bị thu thanh và đây cũng là một trong hai xã duy nhất có bàn dựng phi tuyến trên địa bàn huyện Tam Nông. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền được nâng cao cả về lượng và chất. Thay vì phải biên tập, viết tin bài bằng tay và thu thanh một cách truyền thống, anh Tính và cộng sự của mình đã tiết kiệm được thời gian, công sức để sản xuất nhiều hơn những chương trình phát thanh sinh động, hấp dẫn và phong phú.
 
Với 13 cụm thu phát sóng, 25 loa truyền thanh phủ sóng kín 14 khu dân cư, đều đặn 3 năm nay, ngoài việc tiếp âm, tiếp sóng đầy đủ các chương trình của cấp trên, Đài Truyền thanh Cổ Tiết đã tự sản xuất được 03 bản tin địa phương và 01 chuyên mục/ tuần; cộng tác thường xuyên với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện trong chuyên mục “Tiếng nói từ cơ sở”. Dù phải đảm nhận nhiều vị trí, vừa là phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên duy nhất của Đài, lại kiêm nhiệm mảng văn hóa của xã, anh Tính vẫn không ngại vất vả bám sát cơ sở đem lại những bản tin truyền thanh bổ ích, thiết thực cho người dân quê mình. Thông qua các bản tin ngắn gọn, cụ thể, sinh động, kịp thời về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; công tác xã hội hóa trong xây dựng NTM; các gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM mà anh Tính thực hiện trong suốt những năm qua đã mang lại hiệu ứng rõ rệt, phục vụ đắc lực cho chương trình xây dựng NTM của địa phương. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã huy động được trên 56 nghìn triệu đồng từ các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới; nhà tạm được xóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa; 100% đường trục xã, liên xã, 73% đường trục thôn, xóm, 76,3% trục chính nội đồng được cứng hóa hoặc bê tông hóa. Mới đây, Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM đã thống nhất đánh giá xã Cổ Tiết đủ điều kiện đạt chuẩn NTM và trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016…
 
Như vậy, từ những chiếc loa công cộng, Đài Truyền thanh xã Cổ Tiết tạo ra mối liên hệ mật thiết với người dân, là phương tiện truyền thông hữu ích giúp người dân hiểu, nhìn nhận được tính hiệu quả, thiết thực của phong trào, để họ đồng tình và trở thành chủ thể trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Đình Kiệm (Khu 8) - Người tích cực trong việc vận động người dân tham gia chương trình xây dựng NTM của xã tâm sự: “Tôi không bỏ sót chương trình nào của Đài Truyền thanh xã Cổ Tiết. Nhờ vậy, mà tôi nắm rõ nội dung, ý nghĩa mà chương trình mang lại. Vậy là, tôi cũng muốn trở thành một tuyên truyền viên vận động bà con hàng xóm cùng góp sức xây dựng NTM. Từ lâu, nhân dân xã tôi nhận thức rõ việc góp công, góp của, hiến đất không còn là việc của riêng ai mà là trách nhiệm chung của mỗi người”.
 
Hiệu quả truyền thanh bắt đầu từ những điều giản dị nhưng thiết thực như vậy. Mùa xuân này, tiếng loa của Đài Truyền thanh Cổ Tiết sẽ càng rộn rã sắc xuân!...
 
Niềm vui trên mỗi nẻo đường vùng cao
 
Khi không khí mùa xuân tràn ngập các bản làng của xã vùng cao Thu Cúc cũng là lúc bước chân của người cán bộ truyền thanh Hoàng Xuân Hương rong ruổi trên các nẻo đường để viết tin bài tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ Thông tin và Truyền thông cơ sở, ông Hương có thêm niềm phấn khởi và tự tin với công việc mà ông đã gắn bó suốt gần 12 năm qua.
 
Là một xã có diện tích lớn nhất của tỉnh Phú Thọ, Thu Cúc có địa hình đồi núi phức tạp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trên 82% bà con trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác trên các sườn núi cao tại 20 khu dân cư. Chính vì vậy mà hoạt động truyền thanh của xã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Máy phát FM cùng với hệ thống loa được trang bị từ năm 2004 đã xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc. Để đảm bảo duy trì tiếng nói 4 cấp đến các khu dân cư là một công việc đầy khó khăn, vất vả từ việc biên tập, viết tin bài tuyên truyền cho đến việc phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hệ thống loa ở các khu dân cư.
 
Đã từng giữ nhiều cương vị công tác là lãnh đạo xã nhưng đến lúc về nghỉ chế độ, người cựu chiến binh Hoàng Xuân Hương vẫn không ngần ngại nhận về mình công việc khó khăn ấy. Được giao làm trưởng Đài Truyền thanh xã, ông Hương vừa làm cán bộ kỹ thuật, vừa làm cán bộ nội dung. Sáng nào, ông cũng dậy sớm, bật máy để phát sóng phát thanh từ 5h. Trước đây, sau giờ tiếp sóng đài cấp trên, ông Hương chỉ đọc những thông báo của chính quyền xã, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Nhưng thời gian gần đây, sau khi được tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, ông Hương đã sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh xã có thời lượng 15 phút, từ 3 - 4 chương trình mỗi tuần có kết cấu chặt chẽ, sử dụng nhạc cắt, nhạc nền làm cho chương trình thêm sinh động, hấp dẫn. Chất giọng trầm ấm cộng với kiến thức xã hội phong phú đã trợ giúp đắc lực cho ông trong công tác biên tập, viết tin bài và thể hiện các tin bài trên sóng phát thanh. Trong năm qua, cũng nhờ kỹ thuật và kinh nghiệm làm truyền thanh này mà chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh xã Thu Cúc đã được bình chọn là một trong 2 chương trình phát thanh xuất sắc nhất được khen thưởng tại lớp tập huấn nghiệp vụ Thông tin và Truyền thông cơ sở năm 2016 do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
 
Cũng giống như nhiều nơi khác, đối với bà con nhân dân xã Thu Cúc, tiếng loa truyền thanh đã trở thành người bạn thân thiết hàng ngày. Vì giờ đây, cuộc sống và tâm tư, nguyện vọng của họ đã được phản ánh trên loa truyền thanh. Niềm tin yêu, mong đợi của bà con là động lực lớn nhất để ông Hoàng Xuân Hương cũng như nhiều cán bộ truyền thanh khác gắn bó với nghề. Trong niềm vui của mùa xuân mới, ông Hương mong rằng hệ thống truyền thanh cơ sở sẽ được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hơn nữa để mang niềm vui và tiếng nói 4 cấp tới bà con nhân dân.
 
20170203-m4.jpg
 
Niềm vui nối dài “cánh sóng phát thanh
 
Chúng tôi về xã miền núi Hanh Cù (huyện Thanh Ba), trong không khí rộn ràng, tấp nập sắm tết, người dân địa phương vẫn không quên chú ý lắng nghe thông tin phát ra từ hệ thống loa truyền thanh của xã bởi đây là một kênh thông tin quan trọng để người dân địa phương tiếp nhận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm phòng truyền thanh xã với các thiết bị mới được đầu tư, anh Nguyễn Văn Thắng - cán bộ kỹ thuật của Đài cho chúng tôi biết: Là một xã miền núi nghèo, người dân trong xã sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, luôn chân luôn tay, ít có thời gian đọc báo, tìm hiểu thông tin qua các phương tiện khác, đa phần các nguồn tin đều được tiếp nhận qua hệ thống Đài Truyền thanh của xã. Tuy nhiên, trước đây, hoạt động của Đài gặp không ít khó khăn. Trang thiết bị hầu hết đã cũ và lạc hậu; hệ thống thiết bị ngoài trời như dây, loa bị hư hỏng nhiều, trong khi địa bàn xã trải rộng, người dân sống xa trung tâm nên sóng phát thanh tại một số khu dân cư rất chập chờn. Nhiều khi loa hỏng, có nội dung gì cần tuyên truyền, phổ biến thì cán bộ khu phải đi từng nhà để thông báo, vừa vất vả lại không hiệu quả vì nhiều khi đến nơi người dân lại không ở nhà…
 
Chính bởi vậy nên khi Đài Truyền thanh xã được đầu tư cơ sở vật chất mới và đi vào hoạt động năm 2016 thì không chỉ anh em cán bộ “nhà đài” mà bà con nhân dân cũng rất vui mừng. Từ nguồn kinh phí đầu tư 300 triệu đồng của tỉnh, Đài Truyền thanh xã Hanh Cù đầu tư mới 9 cụm loa cùng 1 máy phát FM công suất 350W. Hiện nay, sóng truyền thanh đã phủ tới 100% các khu dân cư trong xã. Ông Nguyễn Văn Huân - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối với xã miền núi Hanh Cù thì Đài Truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin rất quan trọng đối với địa phương. Từ khi được đầu tư mới đến nay, Đài Truyền thanh xã đã phát huy tối đa công suất, đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Thông tin được truyền tải đến nhân dân một cách nhanh chóng, rộng khắp.
 
Ngoài việc đảm đương tốt việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện theo khung giờ quy định, Đài truyền thanh xã còn tích cực phát các bản tin tuyên truyền các hoạt động của địa phương. Nội dung của các chương trình phát thanh đã phản ánh được những bức tranh sinh động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm tập trung phổ biến, tuyên truyền các vấn đề có liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản ánh các phong trào hoạt động của địa phương; phê phán các thói hư tật xấu; bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc cưới, việc tang, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng và hộ gia đình; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, các cá nhân, tập thể làm kinh tế giỏi trong xã để nhân rộng trong cộng đồng, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều người dân địa phương bộc bạch: Việc đầu tư, nâng cấp Đài Truyền thanh rất hiệu quả, nhờ thế mà nhân dân trong xã có thể nghe được đài 2 buổi sáng và chiều trong ngày. Đến giờ phát sóng dù có bận công việc gia đình hay đồng áng, bà con trong xã cũng dễ dàng nghe được tin tức qua hệ thống loa truyền thanh của xã, đặc biệt qua đây, mỗi người, mỗi nhà được giới thiệu những thông tin hữu ích, cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả để học hỏi, phát triển sản xuất.../.
Nguồn: (theo Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ)