Lào Cai: Cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai quyết liệt nhằm cụ thể hóa Nghị quyết đi vào cuộc sống; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xoay quanh nội dung trên.

20161125-l8.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh

*PV: Được biết, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai luôn duy trì trong tốp 10, đạt mức khá so với cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ƯDCNTT&TT Việt Nam (Vietnam ICT Index). Vậy xin Phó Chủ tịch tỉnh có thể đánh giá khái quát về lĩnh vực thông tin và truyền thông có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?

*Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh: Những năm gần đây, vị thế và diện mạo của tỉnh Lào Cai đã có sự đổi thay tích cực. Từ một tỉnh nghèo của cả nước với muôn vàn khó khăn, Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc. Cùng với các lĩnh vực khác, lĩnh vực thông tin và truyền thông góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Điều này được thể hiện ở các mặt sau:
 
Thứ nhất: Sự phát triển của thông tin và truyền thông đã góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, hưởng thụ thông tin giữa các vùng, miền; đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới bưu chính, viễn thông vươn tới vùng sâu, vùng xa; mạng lưới điện thoại di động được phủ sóng rộng khắp trên toàn tỉnh với trên 1.400 trạm thông tin di động. 700.000 thuê bao điện thoại với mật độ 105 thuê bao/100 dân. 100% số xã đã có kết nối cáp quang đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chính quyền và nhân dân. 164/164 xã, phường, thị trấn có trạm truyền thanh và 1.605 cụm loa truyền thanh thôn, bản. Hiện toàn tỉnh có 32.000 thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình cáp; 18.000 thuê bao sử dụng dịch vụ MyTV. Tỷ lệ hộ dân nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 97%, xem được truyền hình Việt Nam và truyền hình Lào Cai đạt 90%, nghe được chương trình phát thanh địa phương đạt 95%; 80% hộ dân có thiết bị xem truyền hình.
 
Thứ hai: Hạ tầng thông tin và truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, tiết kiệm chi phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh có mạng LAN. Cơ quan tại các trụ sở hợp khối đều có kết nối mạng diện rộng Wan đến Trung tâm mạng thông tin của tỉnh. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và trên 60% cán bộ công chức cấp xã có máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện và 97,6% cơ quan cấp xã có kết nối internet. Sử dụng 4 phần mềm dùng chung, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến, sử dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử...
 
Thứ ba: Trong bộ tiêu chí đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có 5/10 chỉ tiêu thành phần liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực thông tin và truyền thông như: tính minh bạch, chi phí thời gian, gia nhập thị trường, chi phí không chính thức và hỗ trợ doanh nghiệp. Sự phát triển của thông tin và truyền thông đã góp phần quan trọng đưa Chỉ số PCI của Lào Cai nhiều năm liền xếp trong top 10 cả nước, qua đó thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
*PV: Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về đẩy mạnh ƯDCNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tỉnh Lào Cai đã cụ thể hóa chương trình hành động như thế nào, thưa Phó Chủ tịch tỉnh?
 
*Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh: Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị Quyết 36ª/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm về phát triển, ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đến nay, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh có sự tăng tốc đáng kể, từ xây dựng cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn thông tin, triển khai ứng dụng CNTT cho đến công tác phát triển nguồn nhân lực.
 
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Nghị quyết của Chính phủ thành chương trình hành động, tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho phát triển và ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là Chương trình hành động số 02-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Nghị Quyết 36; Chỉ thị số 22-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về an toàn thông tin; Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quyết định số 97/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách đãi ngộ công chức, viên chức làm công tác đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đề án phát triển và ứng dụng CNTT đến năm 2020 trong toàn hệ thống chính trị; Đề án số 19-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020”; kế hoạch phát triển, ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin đến năm 2020; dự án phát triển Chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính...
 
20161125-l9.jpg
 
Đồng bào các dân tộc tộc xã Quang Kim, huyện Bát Xát nhận, gửi bưu phẩm tại Điểm bưu điện văn hóa xã Quang Kim
 
Để triển khai những nội dung này, tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo về CNTT của tỉnh, do tôi làm Trưởng ban, được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền trực tiếp chỉ đạo và các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh cùng tham gia thực hiện. Định hướng của Tỉnh ủy là các nội dung triển khai phải gắn việc xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách hành chính, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh đã triển khai việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng  về CNTT, chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp trong việc triển khai các ứng dụng các phần mềm về CNTT.
 
Đồng thời, tỉnh đã phối hợp và ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay sau 9 tháng thực hiện đã hoàn thành 3 phầm mềm về Cổng thông tin điện tử ở cả 3 cấp gồm: tỉnh, huyện, xã; Quản lý hồ sơ công việc ở cả 3 cấp và phần mềm 1 cửa cả 3 cấp. Các phần mềm về chính quyền điện tử cơ bản đã được hoàn thiện thống suốt cả 3 cấp. Tuy nhiên, việc làm tiếp theo là phải biến các phần mềm ứng dụng CNTT thực sự đi vào cuộc sống, ứng dụng  có hiệu quả  đem lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, hiện Ban Chỉ đạo đang chỉ đạo rất quyết liệt. Mặt khác, tỉnh Lào Cai đang hiện tực hóa chủ trương số hóa các cơ sở dữ liệu dùng chung gồm: cơ sở dữ liệu về dân cư, tư pháp, thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp, ban hành chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong nội bộ của bộ máy chính quyền địa phương các cấp ( ISO)… nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo những ứng dụng đó đi vào cuộc sống.
 
Chính vì thế, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai luôn duy trì trong tốp 10, đạt mức khá so với cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index).
 
20161125-l10.jpg
 
Đồng bào dân tộc tỉnh Lào Cai truy cập thông tin qua mạng 3G
 
*PV: Xin Phó Chủ tịch cho biết những định hướng lớn của tỉnh Lào Cai về phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian tới?
 
*Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh: Trong thời gian tới, để triển khai sâu rộng Chính quyền điện tử các cấp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu kết nối Chính phủ điện tử 4 cấp từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần của Nghị Quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị Quyết 36ª/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá về phát triển, ứng dụng CNTT như sau:
 
Thứ nhất, Xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; triển khai các hợp phần trong kiến trúc Chính quyền điện tử. Xây dựng các hệ thống nền tảng kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu, thông tin.
 
Thứ hai, Phát triển Trung tâm mạng thông tin của tỉnh đảm bảo phục vụ tốt các hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh hoạt động ổn định. Xây dựng, nâng cấp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, các trang thiết bị CNTT, kết nối mạng nội bộ, mạng diện rộng các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã.
 
Thứ ba, Kết nối liên thông các hệ thống thông tin Chính quyền điện tử các cấp của tỉnh như phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống Dịch vụ hành chính công, Cổng thông tin điện tử, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc cung cấp, khai thác phát huy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân khi có yêu cầu về thực hiện thủ tục hành chính, giám sát việc cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan Nhà nước.   
 
Thứ tư, Số hóa và triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung trọng điểm của tỉnh đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước phù hợp với cơ sở dữ liệu Quốc gia về: Dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính, bảo hiện; các cơ sở dữ liệu về lao động, cán bộ công chức, viên chức, người có công và các đối tượng chính sách xã hội, thông tin khoa học và công nghệ, bảo hiểm, y tế, giáo dục,... nhằm giảm thiểu thành phần hồ sơ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử).
 
Thứ năm, Nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho triển khai Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương trong công tác ứng cứu sự cố cấp tỉnh cũng như ứng cứu sự cố cấp quốc gia.
 
Thứ sáu, Tăng cường thực hiện giải pháp về thuê dịch vụ CNTT trên địa bàn tỉnh, dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng,... trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.