Phát hiện, phòng chống và ứng cứu khẩn cấp các tấn công mạng

Ngày 3/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về An toàn không gian mạng cho hôm nay với chủ đề “Phát hiện, phòng chống và ứng cứu khẩn cấp các tấn công mạng”. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia đến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp CNTT, an toàn thông tin.

2015-11-03-ta2.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về an toàn thông tin mạng, giúp các đại biểu nắm vững các giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, chuẩn bị các nguồn lực về kỹ thuật, con người để sẵn sàng phản ứng với các sự cố.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết thời gian qua, tình hình an toàn thông tin trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn quy mô, các hình thức tấn công ngày càng đa dạng như sự kiện tấn công mạng nhằm vào Hệ thống thông tin của Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam và một số ngân hàng gần đây. Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật an toàn thông tin mạng, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn Luật và đang tiếp tục xây dựng các văn bản, chính sách hướng dẫn khác để ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
 
2016-11-03-ta1.jpg
Toàn cảnh Hội thảo
 
Song song với đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam – VNCERT thuộc Bộ đã tích cực triển khai công tác điều phối và cảnh báo sự cố tới các cơ quan, tổ chức trong cả nước, trực tiếp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng cứu, khôi phục nhằm đối phó với các loại tấn công, phá hoại trên môi trường mạng để rèn luyện kỹ năng phản ứng, đối phó, cảnh giác với các kiểu tấn công mạng có thể xảy ra.
 
"Tuy nhiên, do tấn công mạng là không phân biệt biên giới, nên tất cả các cá nhân, tổ chức, quốc gia cần liên kết và phối hợp hành động. Việc đảm bảo an toàn thông tin không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào, nó cần sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhà nước, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và các cá nhân trong toàn xã hội, cả trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định của đất nước" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Theo thống kê của Trung tâm VNCERT, năm 2015 Trung tâm đã ghi nhận 31.585 sự cố (gồm cả Phishing, Deface và Malware) và 1.451.997 lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng Botnet. So với năm 2014, số lượng sự cố xảy ra năm 2015 tăng vọt lên đến 160%.  Tình hình năm 2016 lại càng phức tạp hơn khi chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, VNCERT đã ghi nhận 8.758 vụ tấn công Phishing (bằng 1,5 lần cả năm 2015), 77.160 vụ tấn công Deface (gấp 8 lần năm 2015) và 41.712 vụ tấn công Malware (gấp 2,5 lần cả năm 2015).
 
Thời gian qua có rất nhiều vụ tấn công vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp đã được ghi nhận, và một số đã được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. VNCERT cũng đã ghi nhận nhiều hình thức tấn công mạng trực tiếp vào người dùng như lừa đảo thẻ cào, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, mã hóa dữ liệu người dùng với mục đích đòi tiền chuộc. Đã xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dùng qua mạng internet và qua mạng di động mà điển hình là một số vụ đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua.
 
Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe và thảo luận với các chuyên gia đến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp CNTT, an toàn thông tin trong và ngoài nước về các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện an toàn thông tin mạng tại Việt Nam./.