Viettel cung cấp giải pháp bảo mật Mobile Security cho khách hàng từ cuối 2016

Phó Tổng giám đốc Viettel Tống Viết Trung vừa cho biết, dự kiến cuối năm nay nhà mạng này sẽ cung cấp giải pháp bảo mật Viettel Mobile Security tích hợp sâu vào mạng lưới để bảo vệ cho các khách hàng mobile.

ictnews-viettel-bao-mat.jpg

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel trình bày tham luận về giải pháp đảm bảo an toàn thông tin phục vụ triển khai Chính phủ điện tử tại hội thảo về bảo mật mới được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức tại Hà Nội.

Trong tham luận về giải pháp tổng thể đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin (ATTT) phục vụ triển khai Chính phủ  điện tử tại Việt Nam được trình bày tại hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam” vừa được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel nhận định, Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT-TT để các cơ quan chính phủ đổi mới cách làm việc nhằm tăng hiệu quả và tính minh bạch; đồng thời cung cấp thông tin, dịch vụ thuận tiện và nhanh chóng hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho hay, bên cạnh những lợi ích to lớn của Chính  phủ điện tử, cũng có rất nhiều thách thức về ATTT. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều cuộc tấn công gây gián đoạn dịch vụ và lọt lộ thông tin đối với Chính phủ điện tử của các nước gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có thể kể đến một số vụ tấn công như: vụ tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán - PV) ở Estonia năm 2007; hay vụ tấn công vào hệ thống quản lý nhân sự của Mỹ hồi tháng 7/2015. “Các nhóm hacker đã tấn công không trừ quốc gia nào”, ông Trung nói.Cũng theo đại diện lãnh đạo Viettel, dữ liệu sử dụng trên Chính phủ điện tử là dữ liệu công dân, liên quan đến mọi hoạt động hàng ngày của công dân. Nếu những dữ liệu này bị thay đổi thì mọi hoạt động trong đời sống xã hội của công dân, chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc đó vấn đề ATTT không phải của riêng một đơn vị hay cá nhân nào mà là vấn đề quốc gia.

Tại Việt Nam, nguồn ngân sách cho CNTT nói chung và ngân sách cho ATTT còn hạn chế, nguồn lực cho ATTT cũng còn yếu. Tại Viettel, dù tập đoàn đã quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực ATTT từ khoảng 5 năm nay; thế nhưng hiện tại, đội chuyên gia ATTT của Viettel chỉ khoảng 100 - 200 người, vẫn còn khoảng cách rất lớn với đội ngũ gồm hàng chục ngàn chuyên gia của nhiều quốc gia khác.

Ông Tống Viết Trung cho rằng: “Trước những thách thức cả về nguồn nhân lực và ngân sách cùng với yêu cầu phải triển khai Chính phủ điện tử nhanh, hiệu quả, cần phải có sự góp sức của tất cả các nguồn lực, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Ý thức được điều đó, thời gian qua, Viettel đã xây dựng lực lượng ATTT với mục tiêu ngắn hạn là để bảo vệ tốt cho hoạt động của đơn vị mình và các khách hàng; mục tiêu dài hạn là góp phần xây dựng một không gian mạng an toàn trong đó mọi thành phần đều được giám sát, bảo vệ”.

Ông Trung cũng khẳng định, với hạ tầng hiện có, Viettel đủ năng lực cung cấp nhu cầu phát triển về Chính phủ điện tử trong giai đoạn tới. Cụ thể, với việc đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông an toàn, Viettel đã tự chủ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp mạng lõi cho mạng viễn thông như các trạm BTS 4G, tổng đài tin nhắn SMSC, các hệ thống tổng đài thoại, hệ thống tính cước… “Viettel bắt đầu triển khai hoạt động nghiên cứu này từ cách đây khoảng 4 năm, hiện tại trên hệ thống mạng của Viettel đã có khoảng 20% các trang thiết bị do Viettel tự sản xuất”, ông Trung cho biết thêm.

Trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi triển khai cung cấp chính thức dịch vụ 4G, các sản phẩm "Made in Vietnam", "Made by Viettel" sẽ có mặt trên hệ thống của Viettel. Ông Trung cho biết: “Chúng tôi sẽ dần dần đưa các sản phẩm do Viettel tự nghiên cứu, sản xuất để thay thế cho các thiết bị do nước ngoài cung cấp trên hệ thống”.

Bên cạnh đó, cũng trong thời gian vừa qua, theo ông Trung, Viettel đã tập trung vào nghiên cứu các giải pháp về ATTT cho mạng lưới viễn thông. Ông Trung nhấn mạnh: “Với nguồn lực chuyên gia ATTT giàu nhiệt huyết và có lý tưởng bảo vệ đất nước, Viettel hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo đảm ATTT hỗ trợ Chính phủ điện tử của Việt Nam”.

Viettel cung cấp giải pháp bảo mật Mobile Security cho khách hàng từ cuối 2016
Viettel hiện có tổng số 90 triệu khách hàng trên toàn cầu, bao gồm các khách hàng tại 9 thị trường nước ngoài và Việt Nam (Nguồn ảnh: Internet)
 
Đề cập đến một số kết quả Viettel đã đạt được trong việc xây dựng  và triển khai cung cấp các giải pháp ATTT, đại diện lãnh đạo Viettel cho hay, 2 giải pháp bảo vệ khách hàng đang được nhà mạng này triển khai là hệ thống AntiDDoS volume-based, giúp phát hiện và ngăn chặn tự động tấn công DDoS; và hệ thống Bản đồ mã độc (Botnet Map).
 
Nói về hệ thống AntiDDoS volume-based, ông Trung chia sẻ, dù khách hàng đầu tư những giải pháp thương mại đắt cũng không thể ngăn chặn được các đợt tấn công DDoS có băng thông lớn tới hàng trăm Gbps do băng thông của khách hàng thông  thường chỉ vài chục Mbps đến vài Gbps. Hệ thống AntiDDoS volume-based được triển khai ở cửa ngõ của hệ thống hoàn toàn  không có tác dụng khi cửa tất cả các đường vào đã bị nghẽn. Để ngăn chặn hiệu quả các tấn công phải có sự tham gia của các ISP do băng thông của ISP lên đến hàng trăm Gbps. 
 
Từ bài toán thực tế trên, từ đầu năm 2016, Viettel đã triển khai hệ thống phát hiện và ngăn chặn tự động tấn công DDoS băng thông lớn cho khách hàng. Hiện nay, mỗi ngày trung bình hệ thống phát hiện và ngăn chặn khoảng 80 đợt tấn công DDoS.
 
“Trước đây mỗi lần có những cuộc tấn công DDoS, thực sự chúng tôi cũng rất vất vả; ngoài chuyện phát hiện ra đợt tấn công, nhiều khi để xử lý cũng phải mất đến nửa ngày và thậm chí là cả ngày. Còn với các công cụ hiện tại, việc phát hiện và xử lý các đợt tấn công DDoS của các nhà mạng có thể xử lý các vấn đề trong thời gian chỉ tính bằng phút. Chỉ sau 1-2 phút đã có thể giảm tải các cuộc tấn công DDoS”, ông Trung cho hay.
 
Đồng thời, Viettel cũng đã xây dựng được bản đồ mã độc. Do tất cả lưu lượng của khách hàng đều chạy qua hạ tầng do nhà mạng cung cấp, vấn đề máy tính của khách hàng bị nhiễm mã độc chịu sự kiểm soát của máy của máy chủ điều khiển (C&C) nếu nhìn đầy đủ từ nhà mạng sẽ có một bức tranh về bản đồ mã độc. Nhà mạng qua đó có thể ngăn chặn mức mạng lưới các kết nối của mã độc tới máy chủ điều khiển và vô hiệu hóa mã độc của máy tính, điện thoại của khách hàng.
 
Từ năm 2015, Viettel đã đưa hệ thống Bản đồ mã độc (Botnet Map) vào triển khai cho toàn mạng lưới. Đội ngũ chuyên gia của Viettel đã theo dõi các nhóm APT tấn công vào Việt Nam, các mạng Botnet trong nước và trên thế giới, giúp nhìn thấy tình trạng mã độc đến từng khách hàng và thực hiện ngăn chặn trên mạng lưới. Đến nay, hệ thống này đã ngăn chặn và bảo vệ cho hơn 450.000 khách hàng Viettel.
 
“Chúng tôi dự kiến cuối năm 2016 sẽ tiếp tục cung cấp cho khách hàng giải pháp Viettel Mobile Security tích hợp sâu vào mạng lưới để bảo vệ cho khách hàng mobile. So với các giải pháp Mobile Security hiện đang có trên thị trường, giải pháp Viettel sẽ cung cấp có nhiều tính năng ưu việt”, ông Trung nói.
 
Theo thông tin mới được Viettel công bố ngày 21/9,  đến giữa tháng 9/2016, tại 9 thị trường nước ngoài gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania, Viettel đã có tổng số 26 triệu khách hàng, nâng số khách hàng của Viettel trên toàn cầu (gồm Việt Nam) lên 90 triệu. Còn theo số liệu của Bộ TT&TT, tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam có trên mạng tính đến hết tháng 8/2016 là hơn 128,3 triệu thuê bao, trong đó có gần 63,6 triệu thuê bao mạng Viettel, chiếm tới hơn 49,5% tổng số thuê bao di động của Việt Nam.
Nguồn: ictnews.vn