Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 10/2016

Chiều ngày 1/11/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 10 năm 2016. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và doanh nghiệp TT&TT.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10/2016. Đại diện VNPT cho biết, trong tháng 10, lợi nhuận đạt khoảng 85%, doanh thu khoảng 83%, số thuê bao phát sinh luỹ kế khoảng 70%/năm. Theo tiến độ sản xuất kinh doanh thì Tập đoàn sẽ hoàn thành kế hoạch Bộ giao trong năm 2016. Tổng công ty Mobifone cho biết, tháng 10, doanh thu lũy kế đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, đạt 85%. Ngày 01/11, Mobifone đã triển khai việc thu hồi SIM đến tất cả các giám đốc khu vực và sẽ tiến hành triển khai xuống chi nhánh trong thời gian sớm nhất. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, lũy kế tháng 10 đạt 85%, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 80%. Trong tháng 10, Tổng công ty đã triển khai các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.

Trong lĩnh vực viễn thông, internet và tần số vô tuyến điện, Bộ đã thực hiện công tác cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất 4G cho 04 doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Tổng công ty Gtel) và đã thực hiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G-LTE cho VNPT và Mobifone. Vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã ký cam kết với Bộ về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn và cam kết sẽ thực hiện đúng các nội dung đã kí kết. Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Cục đã có trả lời báo chí về mục đích và ý nghĩa của việc này. Bên cạnh đó, Cục cũng đã cung cấp thông tin tại giao ban báo chí, bước đầu sẽ thu hồi, bước tổng thể là sau đó vào năm 2017 sẽ tiến hành thực hiện việc đăng ký lại thông tin cho các thuê bao trả trước. Cục Viễn thông đã sẵn sàng tiếp nhận các báo cáo của doanh nghiệp và hoan nghênh doanh nghiệp đã chủ động tham gia và thực hiện cam kết.
 
20161101-ta1.jpg
 Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh Thảo Anh
 
Trong tháng 10, Bộ đã thực hiện các nội dung của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020: thực hiện triển khai tổng kết, đánh giá kết quả giai đoạn 1 và thực hiện giai đoạn 2; tổ chức Hội thảo triển khai Đề án Số hoá truyền hình giai đoạn 2 tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ. Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, hiện nay, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã quyết định ngừng phát sóng analog giai đoạn 2 đúng tiến độ. Riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận và các huyện chủ yếu phủ do trạm phát lại sẽ lùi lại sau. Như vậy, Bộ TT&TT đã thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án số hóa truyền hình.
 
Đối với lĩnh vực báo chí, trong tháng 10, Cục Báo chí đã hoàn thành 02 Nghị định về Quy chế phát ngôn và Lưu chiểu điện tử, đã có văn bản gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ sớm trình Chính phủ theo quy định; 02 Thông tư cấp phép và cấp thẻ nhà báo đã đăng xin ý kiến nhân dân trên Cổng TTĐT của Bộ. Trong tháng 10/2016, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, Cục Báo chí đã tăng cường xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, trong đó xử lý 56 cơ quan báo chí vi phạm (đến thời điểm hiện nay) do thông tin sai sự thật về nước mắm nhiễm thạch tín quá mức cho phép. Cục đã lập biên bản và ra quyết định trong tuần này. Đình bản 3 tháng với 2 cơ quan báo chí; thu hồi 2 thẻ nhà báo, xử phạt hành chính 3 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
 
Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với Cục Báo chí xử lý những cơ quan báo chí, truyền thông trong việc đưa tin nước mắm nhiễm thạch tín, xử lý một số trang thông tin điện tử vi phạm không có giấy phép hoặc có phép nhưng vi phạm quy định về việc cung cấp nội dung thông tin, chia sẻ, trích dẫn những nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia. Cục đã ban hành văn bản số 1357/PTTH&TTĐT ngày 24/10/2016 về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp gửi các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các tổ chức doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử nhằm chấm dứt tình trạng trích dẫn một cách bất hợp pháp; phối hợp với Cục Viễn thông cung cấp thông tin cho báo chí về việc cung cấp nội dung trên mạng viễn thông, trả lời những thắc mắc, kiến nghị của các nhà mạng; tổ chức việc cung cấp thông tin trên báo, đài về chủ trương của Bộ và cam kết của các nhà mạng về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Về một số kiến nghị của các đài địa phương ở các vùng khó khăn thuộc giai đoạn 4 của Đề án số hóa, Cục kiến nghị Bộ xem xét cho phép sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ Viễn thông công ích để trả dịch vụ truyền dẫn tín hiệu qua vệ tinh…
 
Liên quan đến ngăn chặn tin nhắn rác, đại diện VNCERT cho biết, thông qua đầu số thông báo về tin nhắn rác 456, VNCERT đã đưa ra giải pháp xác định số thuê bao phát tán tin nhắn rác khá chính xác và nhận được phản hồi tích cực từ các nhà mạng. Trước đây việc ngăn chặn tin nhắn rác theo phương pháp cũ chủ yếu dựa trên tần suất phát tán và từ khóa không hiệu quả vì SIM rác vẫn tồn tại trên thị trường dẫn đến “chặn nhiều mà tin nhắn rác vẫn phát triển sôi động”.
 
Đối với dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, Cục đã tổ chức đoàn đi kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương về triển khai Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ về Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Kết quả cho thấy, các Bộ, địa phương đều cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh ở đây là cách hiểu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4  của các Bộ và địa phương chưa đúng nên khi triển khai nhiều nơi còn chưa đạt mức độ 3, 4. Cụ thể nhiều dịch vụ chưa triển khai cung cấp biểu mẫu điện tử, chưa có cơ sở dữ liệu… Hệ quả là, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 từ đó ngại dùng, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của việc đầu tư cho dịch vụ công trực tuyến. Từ những khó khăn nêu trên, Cục trưởng Cục Tin học hóa đề xuất sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, quy trình đánh giá, xác nhận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo điều kiện thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính.
 
Liên quan đến kiến nghị của VNPT về việc Bộ đưa ra đơn giá dịch vụ CNTT thực hiện theo Quyết định 80 về thí điểm thuê dịch vụ CNTT của cơ quan nhà nước, đại diện Vụ CNTT cho hay, dịch vụ CNTT hiện được chia theo 2 loại: các dịch vụ phổ biến, được nhiều doanh nghiệp cung cấp và các dịch vụ mới xuất hiện (đôi khi chỉ có một nhà cung cấp và một người sử dụng). Chính loại dịch vụ thứ 2 này gây ra lúng túng cho công tác xác định giá. Hiện Vụ CNTT đang phối hợp với Vụ KHCN xây dựng 2 định mức về hạ tầng và quản lý, duy trì hệ thống thông tin. Khi định mức này được ban hành, sẽ giúp các doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương ước lượng được mức giá trần cơ bản. Dự thảo về 2 định mức này đã được trình lên Lãnh đạo Bộ TT&TT.
 
20161101-ta2.jpg
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh Thảo Anh
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao hoạt động của các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các doanh nghiệp trong Ngành thời gian qua. Đặc biệt Bộ trưởng biểu dương Tổng Công ty VTC đã vượt qua khó khăn, chỉ trong 10 tháng đã hoàn thành kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận của cả năm 2016. Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng đã được cấp phép 4G khẩn trương cung cấp dịch vụ theo quy định về chất lượng đã được ghi trong giấy phép, tránh tình trạng 4G kém hơn 3G.
 
Bộ trưởng nhận định, trong tháng 10 vừa qua, hoạt động báo chí có nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin không chính xác, một số phóng viên bị thu hồi thẻ, còn tình trạng sử dụng nguồn tin từ Facebook không kiểm chứng. Có báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí bị đình bản. Trong hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu sách khá phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tác giả và bạn đọc sách.
 
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về thông tin, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Cục Báo chí cần tăng cường xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là vụ việc nước mắm nhiễm thạch tín. Cần xử lý nghiêm các trang tin điện tử nhưng xử lý tin bài như một tờ báo điện tử.
 
Về các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong tháng 11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Cục Viễn thông tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, giá cước, khuyến mại, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn, đồng thời tăng cường quản lý dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp khi triển khai mạng 4G cần chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin, Bộ trưởng nhấn mạnh.