Quản lý hoạt động Xuất bản ở Phú Thọ trước yêu cầu mới

Trong các lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông Phú Thọ, Xuất bản là một trong những lĩnh vực được hình thành sớm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giành và giữ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Năm 1946, cơ sở in Kiến Thiết (Phú Thọ) và Nhà in Sông Lô (Vĩnh Phúc) được hình thành. Những cơ sở in thô sơ này đã in các tài liệu như: “Đường Kách mệnh” của Hồ Chủ tịch, “Điều lệ nông hội”, “Điều lệ Đảng”, báo “Tia Sáng” và nhiều tài liệu tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quần chúng. Tháng 10 năm 1970, thực hiện chủ trương hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, 2 cơ sở in Kiến Thiết, Sông Lô hợp nhất thành Xí nghiệp In Vĩnh Phú . Năm 1997 do tách tỉnh Vĩnh Phú thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc nên xí nghiệp in Vĩnh Phú được đổi tên thành xí nghiệp in Phú Thọ. Năm 2002, xí nghiệp in Phú Thọ được đổi tên thành công ty in Phú Thọ. Đến 2005, công ty in Phú Thọ từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang Công ty Cổ phần được đổi tên thành công ty CP in Phú Thọ. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế (1955 - 1965) cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) và thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược (1975 - 1995) của dân tộc, thời kỳ hòa bình, đổi mới và xây dựng, phát triển đất nước, những người công nhân ngành in trên quê hương đất Tổ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, in ấn kịp thời các loại tài liệu tuyên truyền của tỉnh và các ngành, lập nên nhiều thành tích đáng kể, góp phần xây dựng truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của ngành in trong cả nước, ghi dấu ấn lịch sử cho hoạt động Xuất bản ở Phú Thọ sau này.
 
20161010-m1.jpg
 
Xác định lĩnh vực Xuất bản là một hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có vai trò rất lớn góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã vận dụng đúng đắn những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực Xuất bản, kịp thời lãnh đạo và định hướng cho các đơn vị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Xuất bản trên địa bàn tỉnh phát triển. Công tác quản lý nhà nước về Xuất bản trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường, đảm bảo quản lý tốt về nội dung, đa dạng về hình thức, duy trì mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động Xuất bản được quan tâm, chú trọng. Công tác thẩm định và cấp phép hoạt động Xuất bản được thực hiện nghiêm túc theo Luật Xuất bản và Hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000, đảm bảo công khai, minh bạch, không gây sách nhiễu phiền hà tổ chức và công dân. Đến nay, lĩnh vực Xuất bản trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng với gần 200 doanh nghiệp in, phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 07 cơ sở in xuất bản phẩm, báo chí; 03 cơ sở in gia công vàng mã cho nước ngoài; 08 cơ sở in bao bì, nhãn hàng hóa; 03 doanh nghiệp phát hành hoạt động quy mô cổ phần và  trên 120 cơ sở kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm tư nhân. Hoạt động xuất bản ngày càng được mở rộng tới các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, góp phần tạo nên một môi trường xuất bản phẩm lành mạnh, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Từ chỗ chỉ có vài ngàn bản sách xuất bản/năm, đến nay toàn tỉnh đã có gần 3 triệu bản sách xuất bản mỗi năm; 225/277 xã, phường, thị trấn đã xuất bản sách lịch sử truyền thống địa phương; trên 3 triệu bản sách đã được chuyển giao cho hệ thống thư viện, trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Sản lượng trang in bình quân đạt 1,5 tỷ trang in/năm, doanh thu từ hoạt động in bình quân đạt trên 20 tỷ đồng/năm; hoạt động phát hành đạt trên 30 tỷ đồng/năm.
 
Thông qua hoạt động Xuất bản các xuất bản phẩm, các ấn phẩm báo, tạp chí được kịp thời chuyển tới tay người đọc; tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng xuất lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, chống lại mọi thủ đoạn âm mưu diễn biến hòa bình, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Ngành Xuất bản của tỉnh đã trở thành một trong những ngành công nghiệp có những đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương.
 
20161010-m2.jpg
 
Tuy đã có bước phát triển song hoạt động Xuất bản của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Hoạt động in đã được đầu tư nhưng không đồng bộ, công nghệ chưa sánh kịp với các trung tâm in của cả nước; hoạt động phát hành xuất bản phẩm vẫn còn khó khăn, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ trong hoạt động phát hành xuất bản phẩm. Mạng lưới phát hành xuất bản phẩm còn thưa, mỏng, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở 2 khu vực: Thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì, khu vực trung tâm huyện, còn trống khuyết ở các vùng nông thôn, miền núi, nhiều nơi không có hiệu sách, nhiều nơi bị giải thể. Các đơn vị chưa chú trọng đến hình thức phát hành xuất bản phẩm lưu động, đặc biệt là đưa xuất bản phẩm đến vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi; chưa mạnh dạn đầu tư cho phát hành xuất bản phẩm điện tử. Các dịch vụ phát hành báo chí còn nghèo, đơn lẻ (chỉ có ở các bưu điện huyện, không có ở các điểm tư nhân). Hệ thống thư viện các cấp chưa được số hóa. Công nghệ chế bản, in mặc dù đã có sự đầu tư, nhưng vẫn còn những thiết bị, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được tất cả nhu cầu tại chỗ về in công nghệ cao, chất lượng tốt và làm ảnh hưởng đến môi trường. Quy mô của các cơ sở in nhỏ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm; chưa có cơ sở in có quy mô lớn về in bao bì, nhãn mác công nghiệp, trong khi sản phẩm bao bì, nhãn mác hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với xuất bản phẩm dạng sách. Hiện các cơ sở in mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường...
 
Luật Xuất bản đã khẳng định Xuất bản vừa là ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng vừa là ngành kinh tế - kỹ thuật, chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Xuất bản và Luật Doanh nghiệp, có mục tiêu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hàng hóa đặc biệt gắn liền với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; vừa đóng góp trực tiếp vừa đóng vai trò hỗ trợ trong sự nghiệp phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương. Trong những năm sắp tới, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN, sự hội nhập và giao lưu về kinh tế - văn hoá của các nước trong khu vực và trên thế giới tạo cơ hội cho sự trao đổi toàn diện về hoạt động Xuất bản, đồng thời việc thực thi các cam kết của WTO, TPP trong đó có các cam kết liên quan đến xuất bản phẩm vừa tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm mở rộng thị trường, trao đổi công nghệ và chuyên gia, hợp tác đầu tư vừa là thách thức lớn trong cạnh tranh độc giả của hoạt động Xuất bản. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt như: sự cạnh tranh trong nước và quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xuất bản đã thoả thuận trong quá trình gia nhập TPP và cộng đồng ASEAN; âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị muốn lợi dụng hoạt động xuất bản để chống phá Đảng và Nhà nước ta ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn; yêu cầu của xã hội ngày càng cao cả về nội dung và hình thức đối với các xuất bản phẩm… Sự phát triển tích hợp và hội tụ về CNTT-TT, tất yếu sẽ ra đời các loại hình, sản phẩm và phương thức xuất bản mới so với ấn phẩm in và phát hành theo phương thức truyền thống...
 
Xu hướng phát triển mới của Xuất bản đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới, phức tạp hơn và ở tầm cao hơn cả về đầu tư, định hướng phát triển và công tác quản lý nhà nước cũng như khả năng dự báo chiến lược, nhằm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của ngành. Do đó, việc xây dựng, ban hành Quy hoạch phát triển Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết nhằm đưa ra định hướng phát triển cho hoạt động Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, phù hợp với định hướng của Đảng và các quy định của pháp luật; hướng tới mục tiêu phát triển ngành Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm của tỉnh phù hợp quy hoạch Quốc gia và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trên địa bàn, xây dựng môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, không ngừng tạo ra các sản mang tính giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục thẩm mỹ; góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu phục vụ lĩnh vực văn hoá - tư tưởng của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành trọng điểm in của khu vực, doanh thu ngành Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm năm 2020 tăng trưởng bình quân từ 15 -20%/năm.
Nguồn: Nguyễn Thị Tuyết Chinh (Phó Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ)