Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT quý III/2016

Chiều ngày 5/10/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý III năm 2016. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và doanh nghiệp TT&TT.

20161005-ta4.jpg 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone, VTC, VNPost đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2016.

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 VNPT đã đạt tăng trưởng tốt trong hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận đạt 76,5% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 95.200 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch). Thuê bao di động phát triển thêm được 5,5 triệu, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Thuê bao MegaVNN tăng 1,2 triệu, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2015 trong khi đó thuê bao MyTV tăng trưởng chậm, mới đạt 40% kế hoạch. Nộp ngân sách tăng 11% so với cùng kỳ.
 
Đại diện VNPT cũng cho biết, về việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ đã đăng ký với Chính phủ. Tuy nhiên còn hai đơn vị đang gặp khó khăn trong thoái vốn là Công ty Tài chính Bưu điện và Ngân hàng Hàng hải.
 
Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, đến hết tháng 9, MobiFone đã phát triển mới được 16 triệu thuê bao, đạt 83,2% kế hoạch. Doanh thu đạt 27.527 tỷ đồng, đạt 76,7% kế hoạch. Lợi nhuận đạt 4.347 tỷ đồng, tương đương 83,53% kế hoạch. Nộp ngân sách đạt 4.082 tỷ đồng. Trong lĩnh vực truyền hình, MobiFone phát triển được hơn 1 triệu thuê bao MobiTV với tổng doanh thu là 1.068 tỷ đồng. Ngoài ra, MobiFone đã phát triển được trên 4.000 trạm 3G.
 
Thông tin do ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cung cấp tại Hội nghị giao ban: nhà mạng Viettel đạt mức doanh thu 172.000 tỷ đồng, tương đương 72% kế hoạch, lợi nhuận 32.400 tỷ đồng (75% kế hoạch). Trong 9 tháng đầu năm 2016, trong khi thuê bao 3G tăng trưởng nhanh thì thuê bao 2G lại sụt giảm.  Tổng số thuê bao của Viettel tại 9 thị trường nước ngoài đạt 27 triệu.
 
Tổng giám đốc VTC Đàm Mỹ Nghiệp cho biết, tính đến hết tháng 9, VTC đã hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đạt 95%. Dự kiến đến hết năm 2016 VTC sẽ vượt 15-17% về lợi nhuận, nộp ngân sách vượt 23%.
 
Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Ủy viên Hội đồng thành viên VNPost, tổng doanh thu 9 tháng của VNPost đạt 74,4% kế hoạch, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty mẹ doanh thu đạt 74,87% kế hoạch, tăng 37,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng 37,6% so với cùng kỳ. Cả ba nhóm bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và truyền thông đều đạt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
 
Về đề án số hóa truyền hình, Cục trưởng Cục Tần số nhận định: Việc thực hiện Đề án số hóa truyền hình đã được dư luận nhân dân đánh giá rất tốt sau khi tắt sóng analog tại 5 thành phố lớn. Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Hoan cũng cho biết thêm, tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai Đề án số hóa truyền hình tổ chức cuối tháng 9 vừa qua đã nảy sinh nhiều vấn đề về cả phần phát và phần thu từ các bộ, ngành và địa phương. Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo đã thống nhất cần điều chỉnh thời gian ngừng phát sóng analog giai đoạn 2, theo đó đối với những tỉnh đã hội tụ đủ các điều kiện thì vẫn tắt sóng analog đúng thời hạn. Còn đối với những tỉnh chưa triển khai được thì cần giãn thời gian sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
 
Trong lĩnh vực viễn thông, về quản lý thuê bao trả trước, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam các doanh nghiệp viễn thông phải thu hồi SIM rác đã đăng ký thông tin thuê bao trước ngày 1/1/2017 và các doanh nghiệp phải trình phương án lên Cục Viễn thông trước ngày 31/8/2016. Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng các phương án của các nhà mạng vẫn nặng tính hình thức.
 
Cũng theo báo cáo của các nhà mạng tại Hội nghị giao ban về tình hình xử lý tin nhắn rác, trong 9 tháng đầu năm 2016, VNPT đã chặn 6 triệu tin nhắn rác. MobiFone đã cắt hơn 1,5 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác và đã xử lý 23 nhà cung cấp dịch vụ nội dung vi phạm. Viettel chặn trung bình 10 triệu tin nhắn rác/tháng.
 
Cũng liên quan đến tin nhắn rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, để thống nhất một đầu mối chỉ đạo và xử lý, Bộ trưởng đã giao Thứ trưởng Phan Tâm trực tiếp chỉ đạo. Cục ATTT và VNCERT trực tiếp báo cáo và nhận chỉ đạo về xử lý tin nhắn rác từ Thứ trưởng Phan Tâm.
 
Đối với thông tin từ báo chí về tốc độ 3G của Việt Nam chậm so với các nước, Cục Viễn thông đã tiến hành đo đạc, kiểm tra và kết quả cho thấy tốc độ 3G của Việt Nam cao hơn so với con số được nêu trong báo chí. Nguyên nhân được chỉ ra là cần tăng cường hạ tầng kỹ thuật, đồng thời, các doanh nghiệp cần thiết kế các gói cước phù hợp, không nên bóp băng thông sau khi người dùng đã dùng hết dung lượng tốc độ cao.
 
Trong lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, trong tháng 9, Bộ TT&TT đã cử hai đoàn kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT tại Bộ Tài chính và tỉnh Hà Nam và nhận thấy có một số vướng mắc đang nảy sinh. Theo đó, đối với dự thảo sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu phải có cơ chế đặc thù cho ngành tài chính vì chính sách thuê hiện đang thay đổi nhanh, 45 ngày sau khi ban hành cần phải được triển khai ngay và hệ thống CNTT cũng cần thay đổi với tốc độ nhanh như vậy, ngoài ra, còn liên quan đến chi phí về kiểm thử và bảo hành.
 
Đối với Quyết định 80/2014/QĐ-TTg Quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, Cục Tin học hóa nhận định: Hiện chưa có Bộ, ngành, địa phương nào triển khai được Quyết định này. Các Bộ và địa phương đều mong Bộ TT&TT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về danh mục dịch vụ CNTT phải thuê, thủ tục, trình tự, đơn giá, tiêu chí đánh giá nhà cung cấp dịch vụ.
 
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, trong quý III, hoạt động báo chí có nhiều sai phạm. Cục đã xử lý quyết liệt những thông tin vi phạm, thanh tra 3 cơ quan báo chí, xử lý thu hồi 10 thẻ nhà báo (trong đó có 1 Tổng biên tập, 1 Phó Tổng biên tập bị thu hồi thẻ và cơ quan chủ quản cách chức, còn 4 trường hợp khác bị thu thẻ kết hợp buộc thôi việc). Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chấn chỉnh thông tin và hoạt động báo chí, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
 
Về lĩnh vực PT-TH&TTĐT, Cục PTTH&TTĐT đã tăng cường kiểm soát thông tin theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Cục đã cùng với Cục Viễn thông gửi công văn yêu cầu 4 nhà mạng lớn cùng 3 đơn vị đối tác của SAM Media trả lời về hướng xử lý, xem xét trách nhiệm. Theo đó, việc sửa đổi hai văn bản có liên quan là Thông tư 25/2015/TT-BTTTT (ngày 09/9/2015 của Bộ TT&TT quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông) và Thông tư 17/2016/TT-BTTTT (ngày 28/6/2016 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động) thực sự là nhu cầu của thị trường viễn thông. Cục PTTH & TTĐT dự kiến sẽ trình một thông tư mới điều chỉnh cả 2 văn bản nói trên để xử lý vấn đề hậu SAM Media.
 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trong quý III/2016, Bộ đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về báo chí; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
 
Bộ TT&TT đã tăng cường chỉ đạo công tác triển khai cấp phép mạng 4G; Hoàn thành giai đoạn 1 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 với việc ngừng phát sóng chính thức truyền hình tương tự mặt đất tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT…
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế, đó là lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Quy trình duyệt chưa được coi trọng, nhiều trường hợp đưa thông tin sai, thậm chí vi phạm pháp luật.
 
Một số mạng di động có hành vi tích hợp dịch vụ nội dung sẵn trên sim di động một cách mập mờ, gây thiệt hại cho khách hàng. Việc quản lý SIM rác, tin nhắn rác vẫn còn bất cập. Tuyến cáp quang biển tiếp tục bị đứt làm ảnh hưởng tới tốc độ đường truyền Internet.
 
Hoạt động tấn công mạng với tần suất và độ phức tạp ngày càng cao. Đặc biệt là trong tháng 8 tin tặc nước ngoài đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát hệ thống thông tin của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, nhiều trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có tên miền ".gov.vn" tồn tại các nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Xuất hiện hình thức tội phạm vận chuyển ma túy qua đường bưu chính, trong đó có cả dạng ma túy dưới hình thức "tem giấy".
 
Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2016. Văn phòng, Vụ Pháp chế tiếp tục đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng kế hoạch,
 
Bộ trưởng chỉ đạo: Cần tăng cường chỉ đạo rà soát, quản lý thuê bao di động trả trước và dịch vụ viễn thông trên nền internet, thu hồi SIM đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao không hợp lệ; Triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; Tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT: Hoàn thiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 898/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020 trình Bộ ban hành.
 
Về công tác CCHC, Bộ trưởng lưu ý, để tránh việc chỉ số CCHC của Bộ năm 2016 bị trừ điểm do ban hành chậm kế hoạch, các đơn vị cần khẩn trương xây dựng các kế hoạch thực hiện trong năm 2017, gồm Kế hoạch xây dựng các đề án Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Văn phòng); Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL Bộ ban hành theo thẩm quyền (Vụ Pháp chế); Kế hoạch ứng dụng CNTT (Trung tâm Thông tin); Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (Vụ Pháp chế); Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức (Vụ Tổ chức Cán bộ) phải xây dựng và trình phê duyệt trong quý IV năm 2016.