Thuế nhập khẩu nhiều loại đầu thu truyền hình vẫn ở mức 35%

Theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/9/2016 và có hiệu lực từ ngày ký, mặt hàng thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (mã HS 8528.71) vẫn giữ nguyên biểu thuế nhập khẩu từ 0% cho đến 25-35%.

201609221-shth2.jpg
Thuế nhập khẩu đầu thu truyền hình vẫn giữ nguyên theo quy định cũ. Ảnh minh họa:  Internet
 
Như vậy, theo quy định mới nhất, mức thuế nhập khẩu cao nhất có thể áp cho đầu thu truyền hình nhập khẩu vẫn giữ nguyên ở mức 35%, tương đương với mức thuế quy định tại Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 và Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/8/2015.
 
Mức thuế 0% áp dụng cho loại đầu thu truyền hình có tính năng kết nối Internet và có khả năng cho người dùng tương tác (đầu thu IPTV hoặc Android TV Box), còn tất cả các loại đầu thu khác không có hai tính năng kể trên sẽ được áp thuế từ 25-35%.
 
Cũng liên quan đến thuế nhập khẩu đầu thu truyền hình, nếu hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Trong đó, tại chương 85, trang 384 có quy định mức thuế cho thiết bị chuyển đổi tín hiệu truyền hình mã 8528.71 có mức thuế nhập khẩu từ 0% đến 5% (áp dụng từ 2015-2017), đến 2018 thì mặt hàng này giảm thuế còn 0%.
Với quy định này, các mặt hàng giải mã tín hiệu truyền hình, có mã HS thuộc phân nhóm 8528.71 có xuất xứ từ các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính. 
 
Có thể nói việc thiếu nhất quán, áp dụng một mức thuế suất quá cao đối với đầu thu truyền hình trong thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền, cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị thu truyền hình số DVB-T2.
 
Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Thông tư, trong đó tiến hành sửa đổi áp dụng mã HS cho đầu thu truyền hình theo hướng ưu đãi thuế, với mức 0% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh đầu thu, hỗ trợ Đề án số hóa truyền hình. Thông tư đã qua thời hạn lấy ý kiến nhân dân trên trang web chính thức của Bộ TT&TT cũng như lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan từ ngày 5/9/2016. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ chỉnh sửa và hoàn thiện các thủ tục để có thể ban hành trong thời hạn sớm nhất.
 
Tuy nhiên, liên quan đến việc sửa đổi mã HS nhằm thay đổi mức thuế nhập khẩu đầu thu truyền hình đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu truyền hình số DVB-T2, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền đã có đơn kiến nghị đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm mức thuế nhập khẩu, dừng truy thu thuế nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, cũng như hạn chế tình trạng đầu thu nhập lậu, đầu thu trốn thuế tràn vào thị trường.
 
Ở một khía cạnh khác, nhóm các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất đầu thu trong nước lại cho rằng, nhà nước phải giữ mức thuế nhập khẩu cao để bảo hộ các doanh nghiệp điện tử trong nước phát triển. Bởi các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã có đủ năng lực để cung ứng hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường khi triển khai Đề án số hóa truyền hình.
 
Trong lúc chờ đợi chính sách mới được ban hành, đã có doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu truyền hình số DVB-T2 nhanh nhạy kịp thời chuyển hướng sang gia công hàng hóa từ các nước ASEAN, sau đó nhập về Việt Nam để được hưởng biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.
 
Như ICTnews đã đưa tin, giữa tháng 8, VTVBroadcom chính thức tung ra thị trường mẫu đầu thu VTV-3821 nhập khẩu từ Indonesia. Mẫu đầu thu mới này có giá bán lẻ 700.000 đồng, rẻ hơn mẫu đầu thu VTV -3812 được giới thiệu ra thị trường trước đó 20.000 đồng.
 
Theo giới kinh doanh đầu thu DVB-T2, mẫu VTV-3821 nhỏ gọn hơn "người anh em" của nó là VTV-3812, chipset giống y hệt. Điểm khác biệt lớn nhất là nó có xuất xứ từ  Indonesia, chứ không phải Trung Quốc như các sản phẩm đầu thu trước đây của VTVBroadcom.
 
Có thể nói, VTVBroadcom là doanh nghiệp đầu tiên nhanh chóng chuyển hướng gia công sản phẩm từ Trung Quốc sang ASEAN để tránh bị đánh thuế cao 35%.
 
Theo VTVBroadcom, các doanh nghiệp điện tử có thể đặt hàng sản xuất sản phẩm ở nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, các nước trong khối ASEAN. Sản xuất ở Trung Quốc bao giờ cũng có giá thành rẻ nhất, nhưng vì thuế nhập khẩu đầu thu truyền hình từ Trung Quốc, Ấn Độ đang ở mức rất cao nên VTVBroadcom phải chuyển hướng sang sản xuất ở Indonesia để hưởng ưu đãi thuế.
 
Đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hà Nội đã liên hệ với ICTnews và thông tin cho biết, doanh nghiệp này có một nguồn hàng đầu thu truyền hình xuất xứ từ Malaysia, bao gồm cả truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, đầu thu DVB-T2, các loại đầu thu này đều có cổng kết nối Internet. Doanh nghiệp muốn tìm đối tác để phân phối sản phẩm vào Việt Nam.
 
Song việc chuyển hướng sang gia công sản phẩm ở ASEAN lại vấp phải rào cản lớn về giá cả. Đại diện một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu cho hay, giá thành sản xuất ở các nước ASEAN cao hơn hẳn giá sản xuất ở Trung Quốc, giá nhập vào có khi cao gấp đôi, do đó mặc dù được hưởng thuế nhập khẩu thấp ở mức 5%, thay vì 35% như nhập từ Trung Quốc, khi về Việt Nam giá bán cao, khó lòng cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhập lậu.
Nguồn: Theo ictnews.vn