Học viện Công nghệ BCVT lập phòng thí nghiệm An toàn thông tin

Phòng thí nghiệm (Lab) An toàn thông tin là 1 trong 5 Lab chuyên sâu vừa được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) thành lập. Trưởng Lab An toàn thông tin là TS. Hoàng Xuân Dậu, trưởng bộ môn An toàn thông tin, khoa CNTT 1.

Lễ công bố quyết định thành lập và phân công cán bộ phụ trách các phòng Lab chuyên sâu vừa được Học viện Công nghệ BCVT tổ chức ngày 20/9/2016, tại Hà Nội.

Theo đó, bên cạnh phòng Lab An toàn thông tin (ATTT), 4 phòng Lab chuyên sâu cũng mới được TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT ký quyết định thành lập gồm có: phòng Lab Toán ứng dụng và tính toán; phòng Lab Học máy và ứng dụng, phòng Lab Hệ thống vô tuyến và ứng dụng và phòng Lab Thông tin và vô tuyến. Các phòng Lab chuyên sâu này được đặt tại 2 cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với việc ban hành các quyết định thành lập 5 phòng Lab chuyên sâu, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cũng đã ra các quyết định giao nhiệm vụ Trưởng các phòng Lab cho các cán bộ của trường. Cụ thể, TS. Hoàng Xuân Dậu, trưởng bộ môn ATTT, khoa CNTT  1 được giao giữ chức vụ trưởng phòng Lab ATTT. Lãnh đạo Học viện giao TS. Trương Trung Kiên, giảng viên Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 làm trưởng phòng Lab Hệ thống vô tuyến và ứng dụng; PGS.TS Võ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa Viễn thông 2 làm trưởng phòng Lab Thông tin và vô tuyến; PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Cơ bản 1 làm trưởng phòng Lab Toán ứng dụng và tính toán; và PGS.TS Từ Minh Phương, Trưởng khoa CNTT 1 được giao giữ chức vụ trưởng phòng Lab Học máy và ứng dụng.

TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT  mong muốn các cán bộ, giảng viên được giao phụ trách các phòng Lab chuyên sâu của Học viện bằng nhiệt huyết, kinh nghiệm và  niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các giảng viên được giao nhiệm vụ phụ trách các Lab. Giám đốc Học viện nhấn mạnh bằng nhiệt huyết, kinh nghiệm và đam mê nghiên cứu khoa học, sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại Học viện, tạo ra các sản phẩm chuyên sâu mang thương hiệu của Học viện, từ đó khẳng định được vị thế của trường trong giới ICT Việt Nam.

Trước đó, Học viện cũng đã ra quyết định ban hành Quy định tạm thời hoạt động của các phòng Lab chuyên sâu của trường.

Riêng trong lĩnh vực ATTT, theo đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2014, Học viện Công nghệ BCVT là 1 trong 8 trường đại học, Học viện lớn trong cả nước được chỉ định để tập trung đầu tư thành cơ sở đào tạo trọng điểm về ATTT, cùng với Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng.
 
20160921-n2.jpg
 
Trao đổi với ICTnews hồi tháng 8/2016, TS. Hoàng Xuân Dậu cho biết, triển khai Đề án 99, thời gian vừa qua, Học viện đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được cùng những nội dung công việc liên quan, tập trung vào 3 mảng chính gồm: đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức đào tạo nhân lực ATTT (cả dài hạn và ngắn hạn); nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ ATTT.
 
Cũng theo TS. Hoàng Xuân Dậu, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về ATTT của Học viện từ nguồn vốn ngân sách theo Đề án 99 dự kiến sẽ được thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017. Tính đến tháng 8/2016, Học viện đã đầu tư xong giai đoạn 1 gồm hệ thống hạ tầng kết nối, các máy chủ cho việc mô phỏng tấn công, phòng chống phục vụ cho nghiên cứu, thí nghiệm thực hành. Trong 2 giai đoạn tiếp theo, dự kiến sẽ đầu tư trang thiết bị kèm theo và các phòng Lab chuyên nghiên cứu cho các thầy cô, nghiên cứu viên cùng những phòng Lab thực hành cho sinh viên ATTT ở cả cơ sở Hà Nội và TP.HCM của Học viện.
 
Đối với nhiệm vụ đào tạo nhân lực ATTT, về đào tạo dài hạn (đào tạo trình độ đại học), thực tế Học viện đã bắt đầu mở ngành đào tạo Kỹ sư ATTT từ năm 2013, trước khi Đề án 99 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến nay, Học viện đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo khóa kỹ sư ngành ATTT với tổng số gần 750 sinh viên. Theo kế hoạch, vào cuối năm 2017, lứa kỹ sư ATTT đầu tiên của Học viện sẽ tốt nghiệp ra trường. Song song với việc triển khai đào tạo kỹ sư ATTT, Học viện đã tách 1 nhóm kỹ sư CNTT ra đào tạo chuyên ngành ATTT trong năm cuối; đến nay đã có khoảng hơn chục kỹ sư CNTT chuyên ngành ATTT ra trường.
 
Nhiệm vụ triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về ATTT chủ yếu do 2 Trung tâm Đào tạo BCVT 1 và 2 của Học viện đảm trách, phối hợp cùng các đơn vị như Cục ATTT, Trung tâm Ứng cưu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) của Bộ TT&TT. Có thể kể đến một số khóa học ngắn hạn về ATTT Học viện đã tham gia đào tạo thời gian qua như: đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về ATTT cho người sử dụng thông thường, với mục tiêu là trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản để biết cách bảo vệ máy tính của mình, biết cách sử dụng mạng Internet phù hợp, an toàn; đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý về ATTT dành cho những người giữ vị trí trưởng phòng ban, các bộ phận chuyên trách ATTT của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cán bộ kỹ thuật…
 
20160921-n3.jpg

Chia sẻ về những nội dung công việc Học viện đã triển khai nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển sản phẩm ATTT, TS. Hoàng Xuân Dậu - người vừa được lãnh đạo Học viện giao trọng trách trưởng phòng Lab chuyên sâu về ATTT cho biết, trong thời gian trước mắt cũng như vài năm tới, các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện sẽ tập trung nghiên cứu một số đề tài, định hướng về ATTT; nghiên cứu phát hiện tấn công mạng, phát hiện các loại Malware, các phần mềm độc hại; và nghiên cứu phân tích các mã độc.   

Cùng với đó, Học viện cũng tập trung nghiên cứu phát triển một số sản phẩm, dịch vụ ATTT. Thời gian qua, một số nghiên cứu đã được trường triển khai, chẳng hạn như nghiên cứu phát triển sản phẩm để rà quét các lỗ hổng trên các website, hệ thống mạng, có thể rà quét tự động cũng như giám sát cảnh báo. “Tới đây, chúng tôi cũng sẽ dự định nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm, dịch vụ ATTT chuyên về đánh giá. Sau nay, khi TT&TT ra quy định yêu cầu tất cả các sản phẩm ATTT đều phải đạt chứng nhận hợp quy, Học viện sẽ cố gắng để có thể trở thành một trong những đầu mối tham gia thẩm định, đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm, dịch vụ ATTT”, TS. Hoàng Xuân Dậu cho hay.
Nguồn: ictnews.vn