Đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền về biển, đảo

Đó là những gợi ý của một số chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo chia sẻ tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa năm 2016 diễn ra sáng nay (15/9) tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hội nghị do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Công tác tuyên truyền còn thiếu đồng bộ
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã thẳng thắn chỉ rõ về công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển, đảo.
 
2016915-m5.JPG
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi trao đổi tại Hội nghị 
 
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những phân tích và chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác tuyên truyền về biển, đảo hiện nay, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục về phát triển bền vững biển, hải đảo và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong các tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước; Chỉ đạo công tác tuyên truyền biển, hải đảo còn thiếu tập trung, hướng dẫn chưa chuyên nghiệp, còn làm theo phong trào và gắn quá mức vào một số sự kiện của Bộ, ngành và địa phương; Vai trò định hướng dư luận của các cơ quan tuyên truyền và truyền thông còn bất cập, các xuất bản phẩm về biển, hải đảo và chủ quyền còn rất hạn chế, khiến cho các tầng lớp xã hội tiếp cận các nguồn thông tin chính thức về chủ quyền biển, hải đảo của nước ta còn gặp không ít khó khăn…
 
Mặt khác, nội dung tuyên truyền, phương thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn lúng túng trong tuyên truyền về chủ quyền biển, hải đảo trong một số trường hợp và đối tượng; Đội ngũ làm công tác tuyên truyền về biển, hải đảo còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Phần lớn cán bộ làm công tác tuyên truyền còn hạn chế về kiến thức, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ và kỹ năng...
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học biển và hải đảo thì: Tranh chấp chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa là mối tranh chấp phức tạp, lâu dài nhất, đầy nguy cơ tiềm ẩn nhất về biển đảo. Hiện đã có hàng loạt văn bản làm nền tảng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Do vậy, công tác tuyên truyền cần phải được triển khai một cách đồng bộ, khoa học, cụ thể dựa trên cơ sở pháp lý, luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Ông nêu rõ: “Để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, một trong những công cụ Việt Nam có thể dựa vào là luật pháp quốc tế. Không phải ngẫu nhiên nói rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà thực tế chúng ta có rất nhiều căn cứ lập luận dựa trên văn bản pháp lý quốc tế như Hiến chương của Liên hợp quốc; Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Công ước Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế năm 1969; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Văn bản thỏa thuận giữa các nước ASEAN với Trung Quốc về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
 
2016915-m6.JPG
PGS.TS Nguyễn Bá Diến trao đổi tại Hội nghị
 
Trong số hàng loạt văn bản làm nền tảng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyên gia về Luật biển và Hàng hải quốc tế Nguyễn Bá Diến đặc biệt nhấn mạnh tới Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. “Từ xưa đến nay, đây là văn bản pháp lý quốc tế lớn nhất, đồ sộ nhất của loài người về đại dương, với 16 phần, hơn 300 điều, tổng cộng gần 1.000 điều khoản. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quốc tế để định ra các vùng biển, xác định đâu là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền quốc gia, và tài sản chung. Nói cách khác, UNCLOS là sở cứ trao “sổ đỏ” cho Việt Nam và các quốc gia khác trên biển. Và trong UNCLOS đã xác định đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải. Nghiên cứu kỹ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì thấy đường cơ sở của ta hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế”.
 
Đề xuất một số phương pháp tuyên truyền hiệu quả hơn
 
Xác định phát triển bền vững và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo là những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất không chỉ của thế hệ hôm nay mà còn của các thế hệ mai sau, Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã yêu cầu phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền về biển và hải đảo. Tiếp đó, Ban Bí thư đã ra thông báo tiếp tục "đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo”.
 
Thực hiện thông báo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Hà Kế San, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Tỉnh Phú Thọ đã tích cực chủ động tổ chức tuyên truyền đa dạng, chú trọng chiều sâu về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tỉnh đã tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa; thi tìm hiểu biển, đảo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đa dạng hóa nội dung tuyên truyền về chủ đề biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Hội nghị tập huấn lần này là dịp để các sở TT&TT, đài phát thanh - truyền hình, phòng văn hóa... được củng cố kiến thức về cơ sở pháp lý, công tác thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển trong đời sống kinh tế, xã hội.
 
2016915-m4.JPG
Ông Hà Kế San, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị
 
Đồng thời, Phú Thọ cũng chỉ đạo các cho các sở ngành có liên quan lồng ghép nội dung, kiến thức về biển, hải đảo vào các chương trình hoạt động thường kỳ của cơ quan, tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng - xã hội và lồng ghép vào các chương trình giáo dục ngoại khóa hoặc các đợt tuyên truyền biển, hải đảo hàng năm, như: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-7/6), Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Ngày Môi trường Thế giới (5/6),... nhằm tạo sự gắn bó và sức mạnh lan tỏa ra toàn xã hội. 
 
Măt khác, tăng cường các cuộc “đối thoại mở” với các đối tượng nhằm giải thích kịp thời các vấn đề phức tạp, truyền tải các thông điệp, thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng đến đối tượng tuyên truyền về biển, hải đảo. Định kỳ tổ chức các diễn dàn, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp để tăng cường nhận thức về biển, hải đảo. Cần xem các diễn đàn là nơi chia sẻ, lắng nghe và người tuyên truyền phải giữ thái độ trung gian, trung lập tạo điều kiện để mọi đối tượng có thể đề xuất được nhiều ý kiến hay nhất.
 
Đặc biệt, Phú Thọ đã huy động các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, Đài phát thanh - truyền hình, đài tuyền thanh các huyện, thị xã , thành phố, trang mạng biển đảo,…) để tuyên truyền, giáo dục rộng rãi, có tiếng nói chính thức từ các cơ quan quản lý, lan tỏa ra ngoài nước với các hình thức hoạt động cụ thể khác nhau. Ví dụ: Loạt 18 tập phim “Ký sự biển, đảo”, các tập phim “Biển của người Việt’’, “Biển Đông dậy sóng“, Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng ven biển là đầu tư cho tương lai, Cuộc thi tìm hiểu biển đảo trên trang Web hoặc Cầu truyền hình Trường Sa - Hà Nội để đảo xa gần lại,... ông Hà Kế San cho biết cụ thể.
 
Bên cạnh đó, Phú Thọ đã xây dựng các câu lạc bộ, hiệp hội/hội về biển, hải đảo ở địa phương để tập hợp các lực lượng trẻ cùng tìm hiểu và có những hoạt động vì biển, đảo quê hương. Thông qua các sự kiện biểu dương, vinh danh người tốt việc tốt, phát thưởng cho những người vì biển, đảo quê hương.
 
Có thể định kỳ kết hợp với các đơn vị liên quan đến biển, đảo trưng bày, triển lãm dài ngày các bằng chứng về chủ quyền biển, hải đảo hoặc tự tổ chức chiếu phim tư liệu,...nhằm thu hút quảng đại quần chúng tham dự. 
 
Đưa công tác tuyên truyền biển, hải đảo vào các chương trình, kế hoạch, hoạt động thi đua của các tổ chức đoàn thanh niên nhà trường, hội học sinh sinh viên,... nhằm xác định trách nhiệm và ý thức của các em đối với biển đảo.
 
2016915-m7.JPG
Các đại biểu dự Hội nghị
 
Với góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu biển, đảo, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng thời gian tới, cần lựa chọn một hoặc một số phương pháp tuyên truyền khác nhau để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Cụ thể ông gợi ý như: Nội dung và mục tiêu của một chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về biển, hải đảo phải được đúc kết thành các “Thông điệp hoặc khẩu hiệu” để giúp các đối tượng tuyên truyền hiểu đúng và hiểu rõ vấn đề. 
 
Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học biển và hải đảo lưu ý: Tranh chấp chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa là 1 trong 5 tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông. Đây là mối tranh chấp phức tạp nhất, lâu dài nhất, đầy nguy cơ tiềm ẩn nhất về biển đảo, nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang tiềm ẩn lớn. Lý do chính xuất phát từ vị trí địa chiến lược của Biển Đông – con đường hàng hải số 1 của thế giới, với tài nguyên thiên nhiên phong phú. 
 
Việt Nam chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Bangladesh về việc đầu tư bộ máy chuyên trách lập hồ sơ pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
Hiện nay, trước tình thế có nhiều diễn biến phức tạp, chuyên gia luật pháp quốc tế Nguyễn Bá Diến đã gợi ý một số điều trọng tâm trong công tác tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ như:
 
Thứ nhất, về ý thức chủ quyền biển, đảo, phải cho mọi người dân, kể cả lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự sinh tồn của Việt Nam. Biển phải là không gian sinh tồn của người Việt trước mắt và lâu dài.
 
Thứ hai, phải hun đúc lòng yêu nước – lửa thiêng của dân tộc để tăng cường sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh. 
 
Thứ ba, phải đầu tư cho quốc phòng, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực dể xây dựng lực lượng quốc phòng đủ mạnh, đủ sức lực phản đòn, tạo sự răn đe đối với kẻ thù dám liều lĩnh tấn công.
 
Thứ tư, phải đặc biệt quan tâm mặt trận thông tin truyền thông tư tưởng, ưu tiên đặc biệt từ nhân lực, vật lực cho đến phương thức tác chiến trên mặt trận này.
 
Và thứ năm, phải áp dụng triệt để giải pháp pháp lý để đấu tranh trên mặt trận pháp lý. Phải có chiến lược về giải pháp pháp lý, đầu tư bộ máy, công sức để tập hợp chứng cứ, lập luận, sắp xếp lớp lang hồ sơ./.