Tập huấn tuyên truyền biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Sáng ngày 15/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ tổ chức “Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa” cho đại diện Sở TT&TT, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt có sự tham dự của 277 Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn tỉnh Phú Thọ.

20160915-m1.JPG
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị tập huấn
 
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo và ông Hà Kế San, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; đại diện lãnh đạo Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT); đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường); PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia biển, với tỉ lệ một phần đất hơn ba phần biển. Biển đảo, thềm lục địa có vị trí chiến lược to lớn đối với quốc phòng an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Với bờ biển dài trên 3260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia biển, các quốc đảo và lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số nước ta sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển nước ta có trên 3000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Biển Việt Nam có tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo. Vì thế, vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp của lãnh đạo đất nước ta trong điều kiện hiện nay. Do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển để làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Cần tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức về vị trí kinh tế biển, đảo vẫn còn khiếm khuyết, bất cập so với yêu cầu. Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển đảo, Thứ trưởng đã thẳng thắn chỉ rõ.
 
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh dư luận nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày 8/4/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 557/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch của Bộ TT&TT thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Tiếp đó, ngày 24/6/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 1092/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch tuyên truyền của Bộ TT&TT về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết thêm.
 
Mục đích của Hội nghị tập huấn hôm nay nhằm cung cấp thông tin về biển, về tiềm năng, lợi thế của biển, các tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế liền kề cho đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở để thông qua đội ngũ này xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người dân trên cả nước. Mặt khác, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về cơ sở pháp lý, để qua đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Thứ trưởng mong muốn.
 
20160915-m2.JPG
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn
 
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trao đổi chuyên đề 1: Tổng quan về vị trí, tầm quan trọng của biển trong phát triển kinh tế - xã hội; nhấn mạnh lợi ích của việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, những tác hại của việc khai thác hủy diệt tài nguyên biển; Phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo về biến đổi khí hậu và kỹ năng thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu; Chuyên đề 2 do PGS.TS Nguyễn Bá Diến trình bày về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam; thực thi chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ.
 
Hội nghị tập huấn hôm nay là sự kiện thứ 2 trong chuỗi 5 hội nghị do Bộ TT&TT tổ chức thuộc khuôn khổ Kế hoạch tuyên truyền của Bộ TT&TT về Chiến lược Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chuỗi 5 hội nghị được tổ chức tại khu vực đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng), khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (Phú Thọ), khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Thừa Thiên - Huế), khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ (TP.HCM, và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tại Kiên Giang).