Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo một cách đồng bộ

“Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển, đảo” - Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) - ông Đoàn Công Huynh nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa năm 2016.

Tổ chức chuỗi 5 hội nghị tuyên truyền về biển, đảo

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đoàn Công Huynh nhấn mạnh: “Việt Nam là một quốc gia biển, với tỉ lệ một phần đất hơn ba phần biển. Biển đảo, thềm lục địa có vị trí chiến lược to lớn đối với quốc phòng an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Với bờ biển dài trên 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia biển, các quốc đảo và lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh thành phố có biển và gần một nửa dân số nước ta sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển nước ta có trên 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
 
20160906-L5.jpg
 Các đại biểu tham dự hội nghị
 
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Biển Việt Nam có tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo. Vì thế, vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp của lãnh đạo đất nước ta trong điều kiện hiện nay. Do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển để làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Cần tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa.
 
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở cũng lưu ý, “trên thực tế, nhận thức về vị trí kinh tế biển, đảo vẫn còn khiếm khuyết, bất cập so với yêu cầu. Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển, đảo”.
 
20160906-L1.jpg
 Ông Đoàn Công Huynh phát biểu tại hội nghị
 
Ông Đoàn Công Huynh cho biết, để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh dư luận nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày 8/4/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 557/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch của Bộ TT&TT thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
 
Tiếp đó, ngày 24/6/2016, Bộ trưởng Bộ TTT&TT đã ký Quyết định số 1092/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch tuyên truyền của Bộ TT&TT về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
 
Theo đó, Bộ TT&TT chủ trì tổ chức 5 hội nghị “Tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa” ở 5 khu vực trên toàn quốc (gồm: Khu vực đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tại Phú Thọ, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tại Thừa Thiên - Huế, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tại TP.HCM, và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Kiên Giang).
 
Hội nghị đầu tiên trong chuỗi 5 hội nghị được tổ chức sáng 6/9 tại Đồ Sơn, Hải Phòng, với đối tượng tham dự chính là đại diện các Sở TT&TT, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện của 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng.  
 
Phát huy vai trò cán bộ thông tin cơ sở
 
Tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Đức Thạnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã chia sẻ thông tin về tiềm năng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội, và các vấn đề khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
 
Phân tích rất cụ thể những tiềm năng cũng như khó khăn của biển Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Thạnh khẳng định: Phải hết sức nỗ lực thì mới có thể đạt được chỉ tiêu đặt ra của “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá dầu giảm rất sâu, để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
 
20160906-L4.jpg
PGS.TS Trần Đức Thạnh báo cáo tổng quan về vị trí, tầm quan trọng của biển trong phát triển kinh tế - xã hội 
 
Bàn về định hướng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, PGS. TS. Trần Đức Thạnh đặc biệt nhấn mạnh việc phải tăng cường thông tin, truyền thông về biển Việt Nam.
 
“Công tác thông tin và truyền thông cần giúp cho người dân hiểu rõ những nội dung như: Tiềm năng về biển và khả năng khai thác, sử dụng; những tác động tạo ra đối với tài nguyên và môi trường biển do các hoạt động kinh tế và dân sinh; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường biển để phát triển bền vững; hướng dẫn khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng tránh tai biến trên biển. Đặc biệt, thông qua truyền thông, giáo dục lòng tự hào và tình yêu đối với  biển đảo Việt Nam, giáo dục, tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng để bảo vệ tài nguyên – môi trường, hướng tới phát triển bền vững vùng biển”, PGS.TS. Trần Đức Thạnh chia sẻ thêm.
 
Đồng quan điểm nêu trên, Vụ trưởng Đoàn Công Huynh đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, “thông qua đội ngũ này có thể xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người dân trên cả nước, nâng cao hơn nữa nhận thức về cơ sở pháp lý, để qua đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.
 
PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo cho rằng, từ những tư liệu lịch sử - pháp lý rõ ràng và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể khẳng định rằng: Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Suốt trong mấy thế kỷ, ít nhất là từ thế kỷ 17 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
PGS.TS Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh: Việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam qua các triều đại cho đến ngày nay là phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế . Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định và có đầy đủ các căn cứ khoa học, pháp lý để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền không thể bác bỏ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm pháp luật quốc tế./.