Thị trường anten, dây cáp ồ ạt “ăn theo” số hóa truyền hình

Nhu cầu tiêu thụ đầu thu số DVB-T2 tăng trưởng mạnh khi triển khai Đề án số hóa truyền hình, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh anten, dây cáp truyền hình chiếm lĩnh thị trường.

Với mỗi bộ đầu thu truyền hình sẽ cần kem theo phụ kiện lắp đặt là dây cáp, anten và giắc cắm. Trên thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp đầu thu đã đặt hàng cho thương hiệu của mình gói combo phụ kiện trọn gói để cung cấp cho khách hàng, với mức giá thấp chỉ từ 70.000 - 150.000 đồng. Đối với dự án mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 trang bị cho các hộ nghèo, cận nghèo của Bộ TT&TT cũng yêu cầu phải cung cấp trọn gói cả đầu thu và phụ kiện lắp đặt.
 
Nhu cầu tiêu thụ đầu thu số DVB-T2 tăng trưởng mạnh khi triển khai Đề án số hóa truyền hình, không chỉ tạo ra một cơ hội phát triển thị trường anten truyền hình, mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dây cáp truyền hình chiếm lĩnh thị trường.
 
Trường hợp Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại Đông Thành (Hà Nội) là một ví dụ. Công ty Đông Thành hoạt động từ năm 1997 đến nay, với mặt hàng truyền thống là các loại sản phẩm cáp điện, cáp đồng trục nhập khẩu từ Hàn Quốc, độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Taesung. Sau đó, do kinh doanh hàng nhập khẩu có những bất cập như: giá nhập khẩu cao hơn, bị rào cản về thời gian nhập khẩu kéo dài, đôi khi ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của doanh nghiệp. Sau đó, công ty đã chuyển hướng sang sản xuất trong nước. Công ty đã đầu tư mua dây chuyền sản xuất dây cáp ở Hàn Quốc về sản xuất, cung cấp đi nhiều tỉnh, thành.
 
Sản phẩm trọng điểm của Đông Thành hiện là các loại dây cáp điện, cáp mạng và cáp truyền hình. Trong đó, riêng sản phẩm cáp truyền hình có nhiều loại sản phẩm như: cáp đồng trục RG6, cáp đồng, cáp đồng dầu, cáp lắp đặt camera mang hai thương hiệu là Taesung và Dongsung.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổng giám đốc công ty Đông Thành cho biết, sản phẩm dây cáp truyền hình trước đây chủ yếu cung cấp cho các công trình dân dụng, sau đó công ty mở rộng cung cấp cho các công ty truyền hình cáp như: Nghệ An, Vĩnh Phúc, MobiTV, công ty cũng đã có những hợp đồng xuất khẩu sang Myanma, Lào, Campuchia.
 
Mới đây nhất, công ty Đông Thành đã cung cấp hợp đồng cho công ty VNPT Technology trị giá gần 10 tỷ tiền dây cáp truyền hình, sau khi VNPT Technology thắng thầu cung cấp và lắp đặt đầu thu truyền hình số cho hơn 200.000 hộ nghèo, cận nghèo ở Cần Thơ, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
 
img
Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổng giám đốc Công ty Đông Thành. Ảnh: Việt Hải.
 
Theo ông Phúc, từ năm 2015 trở lại đây khi nhà nước triển khai Đề án số hóa truyền hình sản lượng dây cáp truyền hình tăng lên khá mạnh, ngoài hợp đồng cung cấp cho VNPT Technology, công ty Đông Thành còn sản xuất khá nhiều dây cáp truyền hình cho các làng nghề sản xuất anten, họ mua dây cáp truyền hình để làm các combo trọn gói anten và dây cáp. “Hiện chúng tôi đang rất bận rộn cung cấp cho đối tượng khách hàng này”, ông Thành cho hay.
 
Từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ riêng cung cấp cho thị trường bán lẻ sản phẩm dây cáp truyền hình đã mang lại doanh thu cho công ty Đông Thành bình quân 5 tỷ đồng mỗi tháng, chưa kể hợp đồng đặt hàng gần 10 tỷ đồng của VNPT Technology.
 
Dây cáp truyền hình của Đông Thành được sản xuất trên dây chuyền tự động hoàn toàn theo công nghệ của Hàn Quốc, đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc và đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy chuẩn của Việt Nam. Năng lực sản xuất tối đa của công ty một ngày có thể cung ứng 1.000-1.200 cuộn, mỗi cuộn 350m dây, tương đương với mỗi tháng sản xuất 12.000km dây cáp/ngày. Nếu tính bình quân mỗi một tivi hoặc đầu thu truyền hình cần khoảng 15m dây cáp, thì công ty Đông Thành mỗi ngày có thể sản xuất được dây cáp cho 800.000 thiết bị thu truyền hình.
 
Ông Phúc cho hay, thị trường dây cáp cạnh tranh mạnh với hàng Trung Quốc, trong nước cũng có nhiều cơ sở khác sản xuất. Hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn nhưng lại có nhược điểm về chất lượng không ổn định. Thời gian gần đây xu hướng người dùng rất thích lấy hàng “Made in Việt Nam”, Chính phủ khuyến khích người Việt dùng hàng Việt cũng tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước.
 
“Công ty Đông Thành sẽ xây dựng thêm nhà máy thứ hai có quy mô 2ha ở Hưng Yên. Đồng thời, công ty đang nghiên cứu làm dàn anten để sản xuất những sản phẩm anten có chất lượng cao hơn. Dự kiến, thời gian ngắn nữa sẽ cung cấp cả sản phẩm anten và dây cáp truyền hình để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Phúc cho hay.
 
img
Một loại anten do công ty Dũng Nam sản xuất.
 
Một công ty khác là Công ty Điện tử Viễn thông Dũng Nam (Lạng Sơn) cũng đã sản xuất nhiều thiết bị truyền hình như: Đầu thu truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, chảo thu vệ tinh, anten thu truyền hình số DVB-T2, dây cáp truyền hình. Cùng với sản xuất các sản phẩm thương hiệu riêng của Dũng Nam như anten Micsat, Dunals công ty còn gia công nhiều sản phẩm anten theo đặt hàng riêng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu thu truyền hình trong nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
 
20160905-shth4.jpg
Anten thương hiệu Dunals được bán khá phổ biến ở thị trường Hà Nội.
 
Việc các doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất được dây cáp, anten truyền hình cung cấp tại thị trường trong nước giúp cho quá trình Đề án số hóa truyền hình giảm bớt lo ngại về việc thiếu thiết bị thu xem đáp ứng nhu cầu người dân. Theo quan sát của ICTnews, các sản phẩm anten, dây cáp sản xuất trong nước có giá thành rẻ hơn giá bán lẻ cách đây 1 năm khá nhiều. Nguồn cung dồi dào cũng hỗ trợ rất lớn cho việc triển khai Dự án hỗ trợ có các hộ nghèo, cận nghèo thu xem truyền hình số mà Bộ TT&TT đang triển khai.
Nguồn: Theo ictnews.vn