Ngành Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Sau 05 năm thực hiện, diện mạo nhiều vùng nông thôn được đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đa số nông dân được cải thiện, hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước.

Thực hiện đường lối của Đảng, Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân trong đơn vị, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông đã quán triệt và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
2016817-m6.jpg
Xã Lâu Thượng – một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016
 
Để việc triển khai thực hiện Chương trình diễn ra đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện khảo sát, nắm bắt thực trạng tiêu chí số 08 tại các xã đăng ký nông thôn mới để có căn cứ làm nền tảng cho công tác chỉ đạo điều hành. Định hướng, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đầu tư kinh phí duy trì và phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông, mạng lưới bưu cục, điểm phục vụ trên địa bàn 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phục vụ thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông và nhu cầu kết nối internet băng rộng cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã có sự phối, kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị trong tỉnh, đặc biệt phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên trong tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ cấp xã; tặng sách báo cho các điểm Bưu điện Văn hóa xã.
 
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền trong việc tạo nên sự thống nhất trong tổ chức, sự đồng thuận trong xã hội. Từ năm 2011-2015, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực thông tin truyền thông ở cấp xã, phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện. Qua các khóa đào tạo giúp cho cán bộ thông tin và truyền thông có cách nhìn tổng thể về hệ thống thông tin cơ sở; thấy được tầm quan trọng của hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở đối với công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; những định hướng của công tác thông tin và truyền thông cơ sở trong thời gian tới; nắm bắt được những nghiệp vụ cơ bản về chuyên môn kỹ thuật, cách khai thác viết tin bài. Việc tăng cường năng lực cho cán bộ đã góp phần giải quyết những bất cập về tình hình nguồn nhân lực thông tin và truyền thông ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đặc biệt là những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
 
Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã hỗ trợ Đài PT-TH tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố sản xuất mới các chương trình phát thanh, truyền hình theo chuyên đề phù hợp với tình hình đặc thù của Thái Nguyên và của từng huyện để phục vụ nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và các huyện thuộc phạm vi của chương trình, đặc biệt là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Đồng thời, hỗ trợ Đài Truyền thanh – Truyền hình phát lại 133 chương trình truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng sản xuất trên sóng truyền hình của Đài PT-TH tỉnh và Đài TT-TH cấp huyện; 76 chương trình phát thanh chuyên đề (năm 2013) trên sóng phát thanh của Đài PT-TH tỉnh và Đài TT-TH cấp huyện, phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo do Bộ Thông tin và truyền thông đặt hàng Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất.
 
Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú.
 
Đồng thời, để duy trì và phát triển tiêu chí số 08, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các cuộc kiểm tra, khảo sát chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cung ứng, kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện các sai phạm để kịp thời chấn chỉnh nhằm mục tiêu phục vụ thông tin liên lạc thông suốt với chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao, giá thành dịch vụ phù hợp, mạng lưới dịch vụ rộng khắp đến tận các thôn, xóm, bản, làng.; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ đi kiểm tần số thu phát sóng các mạng điện thoại di động, internet trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho các mạng viễn thông hoạt động ổn định, nhất là khu vực miền núi và nông thôn trong tỉnh.
 
2016817-m7.jpg
Hình ảnh cột antten đã được nâng cấp tại Đài TTTH huyện Đại Từ
 
Với mục đích thu hẹp khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa các vùng, miền, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011 đến năm 2015 Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai Dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 11 tỷ đồng nhằm đầu tư mới, xây lắp và nâng cấp 17 đài truyền thanh không dây cho các xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với gần 2 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông đã khắc phục tình trạng lạc hậu và thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh, truyền hình xoá vùng trắng, vùng lõm sóng phát thanh, truyền hình đảm bảo mục tiêu để nhân dân các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa được hưởng thụ các dịch vụ nghe - xem, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ thông tin và truyền thông cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sự phối hợp thực hiện của các cấp chính quyền, các ngành, địa phương, đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, với 140 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên đã có 40 xã đạt nông thôn mới (đạt 19/19 tiêu chí). Trong đó, năm 2014 có 12 xã, năm 2015 có 28 xã; 115/140 xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, tỷ lệ đạt chuẩn 80%; 115/140 xã có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập internet cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỷ lệ đạt chuẩn 80%. Qua so sánh, đối chiếu với quy định đánh giá chấm điểm của tỉnh Thái Nguyên và hướng dẫn tại Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu của tiêu chí số 08 ở 80% số xã năm 2013, đến năm 2015 có 85% số xã có bưu điện và điểm internet đạt chuẩn, đến 2020 có 100% số xã có điểm bưu điện và internet đạt chuẩn.
 
Tuy nhiên, do sự chênh lệch đáng kể về nhận thức giữa người dân ở khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi; hạ tầng mạng lưới đài truyền thanh cấp xã, thôn bị xuống cấp, hỏng hóc nhiều, công nghệ của thiết bị đã lạc hậu, hết tuổi thọ qui định; hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm, bản làng một số xã chưa phát huy hết tác dụng để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
 
Vì vậy, để chương trình phát triển bền vững, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực thông tin và truyền thông; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh ở các xã nông thôn của tỉnh; Tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt đổi mới công tác thông tin tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cấp xã đến các thôn, xóm, bản làng. Đồng thời, tiếp tục định hướng, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng lưới phục vụ thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh; góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, giúp mọi người dân có điều kiện tiếp cận, sử dụng, nắm bắt thông tin về chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động, kinh doanh góp phần nâng cao nhận thức cải thiện chất lượng cuộc sống thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: Đức Lộc (http://sotttt.thainguyen.gov.vn)