VNPT, Viettel, FPT hỗ trợ kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế với BHXH

Với sự tham gia của VNPT, Viettel và FPT, ngành y tế đã thử nghiệm kết nối, gửi dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 4 tuyến ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau với bảo hiểm xã hội (BHXH).

20160812-pg10.jpg
 
Theo Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, đến nay VNPT đã triển khai hệ thống phần mềm VNPT-HIS tại nhiều xã của các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Nghệ An và Ninh Bình (Ảnh minh họa. Nguồn: xahoithongtin.com.vn)
 
Kết quả bước đầu
 
Hôm nay, ngày 15/6/2016, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; hướng dẫn trích chuyển dữ liệu lên cổng dữ liệu” với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế cùng đại diện các Sở Y tế và bệnh viện đa khoa của 31 tỉnh khu vực phía Bắc.
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa bảo hiểm y tế, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo của ngành và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn một số bất cập khi trích xuất, kết nối liên thông dữ liệu, đường truyền.
 
Theo ông Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, bên cạnh việc ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra của phần mềm quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng ban hành bộ mã dùng chung gồm 8 danh mục để thống nhất ngữ, nghĩa của dữ liệu, thông tin và bảo đảm liên thông phần mềm giữa các cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan BHXH và các đơn vị liên quan trên toàn quốc. Cụ thể, 8 danh mục dùng chung của ngành Y tế gồm có: danh mục dịch vụ kỹ thuật với 4.889 dịch vụ, thuốc tân dược với trên 20.000 mục, thuốc y học cổ truyền với 547 chế phẩm và 349 vị, danh mục bệnh y học cổ truyền với hơn 1.000 bệnh, danh mục ICD10, máu và chế phẩm máu, mã cơ sở khám chữa bệnh, vật tư y tế.Đáng chú ý, đến nay ngành Y tế đã triển khai thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh tại 4 tuyến của 6 tỉnh, thành (gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau) với cơ quan BHXH. Cụ thể, báo cáo của Vụ Bảo hiểm Y tế cho hay, từ tháng 4/2015 đến nay, các doanh nghiệp CNTT đã cùng một số tỉnh, thành “chạy” thử nghiệm kết nối dữ liệu theo 3 cấp, trong đó Viettel tham gia thử nghiệm kết nối tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương; VNPT thử nghiệm kết nối tại Ninh Bình, Nghệ An, Tiền Giang, Cà Mau; còn FPT thử nghiệm kết nối tại Hải Phòng, Cần Thơ.
 
Đối với việc thử nghiệm kết nối hệ thống quản lý y tế xã, phường, VNPT đã triển khai VNPT-HIS tại nhiều xã tại Tiền Giang, Cà Mau, Nghệ An và Ninh Bình; Viettel triển khai tại các trạm y tế thuộc Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Dương; và FPT triển khai E-claim tại các trạm y tế thuộc Hải Phòng, Cần Thơ.
 
Tính đến hết ngày 31/5/2016, đã có 3.405 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toán BHYT sẵn sàng chuyển đến cơ quan BHXH từ ngày 30/6/2016. Trong 3.405 cơ sở khám chữa bệnh đã sẵn sàng triển khai kết nối, có 30 cơ sở cấp Trung ương, 279 cơ sở cấp tỉnh, 480 cơ sở cấp huyện và 2.616 trạm y tế xã.
 
Tuy nhiên, đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế cũng chỉ rõ những khó khăn trong quá trình ứng dụng CNTT vào quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT như: việc kết nối, liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế; một số danh mục dùng chung cần được cập nhật đầy đủ để thực hiện kết nối và thanh toán… Đặc biệt, vẫn còn 20/63 Sở Y tế chưa xây dựng kế hoạch thực hiện; còn 8.434/13.932 cơ sở khám chữa bệnh chưa báo cáo khảo sát CNTT, chiếm 60%.
 
Kết nối, liên thông toàn hệ thống khám chữa bệnh trước 30/6
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân diễn ra ngày 6/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện kết nối liên thông toàn hệ thống khám chữa bệnh trước ngày 30/6/2016 để nâng cao hiệu quả, minh bạch trong giám định và thanh toán BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.
 
Để thực hiện được yêu cầu trên, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế Hà Văn Thúy cho hay, đơn vị này đã xác định rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung trong thời gian từ nay đến cuối năm, với thời hạn cụ thể cho từng nội dung công việc. Đơn cử như, với nhiệm vụ triển khai hệ thống quản lý thông tin khám chữa bệnh và kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh phục vụ công tác thanh toán BHYT, tháng 6/2016 là thời hạn phải hoàn thành các việc: phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT hoàn thiện khảo sát hiện trạng phần cứng và phần mềm của tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc; đánh giá các tiêu chí kỹ thuật phần mềm quản lý khám chữa bệnh và phầm mềm quản lý y tế xã, phường; phối hợp với BHXH, các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tại các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế; 63 tỉnh, thành phố thực hiện kết nối liên thông với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan BHXH.
 
Vụ Bảo hiểm Y tế cũng đề xuất kế hoạch phối hợp triển khai của các doanh nghiệp CNTT theo 2 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn 1, triển khai cung cấp các chức năng khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng yêu cầu liên thông với BHXH; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, đào tạo… tập trung vào các khu vực chưa sử dụng phần mềm. Trong giai đoạn 2, tập trung nâng cấp bổ sung các tùy chỉnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế, tiếp tục triển khai nhân rộng cho các cơ sở y tế đã có phần mềm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông; nâng cáp bổ sung các chức năng Portal, ESB… để cung cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về khám chữa bệnh cho Bộ Y tế. “Nguyên tắc triển khai của doanh nghiệp CNTT là thống nhất quy trình với Bộ, không sửa quy trình khám chữa bệnh trong giai đoạn 1; đồng thời hỗ trợ, cập nhật các quy trình, quy định và đề xuất giá khi có yêu cầu”, đại diện lãnh đạo Vụ Bảo hiểm Y tế nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: “Trong quá trình triển khai, các Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh cần thường xuyên phối hợp, làm việc chặt chẽ với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam, chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp với Bộ và UBND các tỉnh, thành phố”.
Nguồn: (theo ictnews.vn)