Người dân Quảng Ngãi hưởng lợi từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong bối cảnh nước ta bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đào tạo nghề để nông dân có khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao càng trở nên cần thiết. Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn ra đời đã giải quyết được yêu cầu bức thiết này.

quangngai1.png

Giờ thực hành của học viên lớp Sơ cấp nghề chăn nuôi gia súc ở xã Bình Trung, Bình Sơn, Quảng Ngãi
 
Ở tỉnh Quảng Ngãi, sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, có 74.648 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Riêng Hội Nông dân tỉnh, đã mở 91 lớp đào tạo nghề cho 2.960 học viên theo học. Thời gian đào tạo nghề là 3 tháng và dưới 3 tháng, gồm các nghề: chăn nuôi gia súc, gia cầm; phòng chống dịch gia súc, gia cầm; may công nghiệp; trồng hoa - cây cảnh…Tham gia các lớp học nghề này, người lao động được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng sẵn có để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng, vật nuôi. Đồng thời được cán bộ Hội cung cấp thêm các thông tin về các chính sách vay vốn, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong và ngoài tỉnh góp phần định hướng cho người học biết và an tâm với nghề và phát huy nghề sau khi học.
 
Là một nông dân đã tốt nghiệp lớp Sơ cấp nghề Nuôi cá nước ngọt ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh - anh Lê Văn Lẻo cho biết: “Chỉ trong thời gian 03 tháng tham gia học tập thôi nhưng tôi đã tiếp thu được vô số kinh nghiệm kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Nếu như trước đây nhà tôi thả 1.000 con cá trắm cỏ có khi cá chết chỉ còn 40 - 50 con. Bây giờ học biết được kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng, ngừa dịch bệnh cho cá thì có thể cải thiện được 70 - 80% hiện tượng cá chết. Nhờ vậy mà doanh thu, lợi nhuận cũng được tăng lên, sắp đến tôi sẽ vay thêm tiền đầu tư lồng nuôi cá trên sông Trà để cải thiện cuộc sống gia đình”. Nông dân Bùi Văn Bang, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cũng chia sẻ: “Việc đi học nghề chăn nuôi bò tưởng đâu là không cần thiết vì mình đã làm từ rất lâu rồi nhưng sau khi học tôi thấy thật sự rất bổ ích, nhiều khó khăn gặp phải trước đây không biết hỏi ai giờ mới có cơ hội được giải đáp. Qua lớp học này tôi mới biết cách phòng bệnh cho bò, biết chọn giống, chọn thức ăn, phối giống như thế nào cho hiệu quả…”.
 
Qua phản ánh của người trong cuộc như vậy mới thấy được lợi ích của các lớp đào tạo nghề cho nông dân. Để người nông dân phải được học đúng nghề họ cần, hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các huyện, thành Hội hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở Hội tham mưu cho Ban chỉ đạo 1956 của xã ngay từ cuối năm phải khảo sát nhu cầu và đăng ký nghề học cho nông dân của địa phương mình. Ông Đinh Duy Sung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết thêm: Hầu hết các lớp đào tạo nghề được Trung tâm DN&HTND tỉnh tổ chức tại thôn, xã nên rất tiện lợi cho nông dân tham gia lớp học. Đa số nông dân tham gia đào tạo nghề áp dụng kiến thức được học vào công việc sản xuất của gia đình đã mang lại kết quả ngay như nghề trồng nấm, sữa chữa máy nông nghiệp chăn nuôi bò sinh sản… Vào ngày 01/7/2015, Quyết định 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành thì đối tượng đào tạo nghề được mở rộng hơn, người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi được tham gia đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, ổn định cuộc sống.
 
Lợi ích từ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được thấy rõ. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa để ngày càng có nhiều nông dân được đào tạo nghề. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 3.000 nông dân được học nghề.
Nguồn: Nguồn: molisa.gov.vn