Đà Nẵng: Người nghèo được hỗ trợ đầu thu nhưng vẫn còn bất cập

Các hộ được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhưng còn nhiều bất cập như không gắn dây ăng ten vào đầu thu, ăng ten xoay không đúng hướng...dẫn đến việc thu xem không ổn định.

Ngày 4/8/2016, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất thành phố Đà Nẵng.
 
Từ ngày 1/11/2015, Đà Nẵng hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo và chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. Như vậy, Đề án SHTH Đà Nẵng đã hoàn thành trước thời hạn 2 tháng so với lộ trình do Chính phủ giao và Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành chuyển đổi sang truyền hình số.
 
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, việc chuyển truyền hình mặt đất dưới dạng tương tự qua phát số đã nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình, đồng thời đã giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
 
20160808-shth2.JPG
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Cẩm báo cáo tổng kết tại Hội nghị
 
“Việc triển khai vùng phủ sóng và chất lượng sóng truyền hình số đã hỗ trợ kịp thời người dân chuyển đổi hình thức thu xem, bảo đảm việc cắt sóng mềm vào ngày 1/7/2015 và cắt hoàn hoàn truyền hình tương tự vào ngày 1/11/2015 trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hầu hết các đầu thu tại Đà Nẵng đều có đăng ký hợp chuẩn, hợp quy và gắn biểu trưng số hóa truyền hình theo quy định; cũng như không có bất kỳ đầu thu được hỗ trợ nào bị hư hỏng sau 1 năm đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Hoàng Cẩm còn cho biết.
 
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu được ý nghĩa mục đích của Đề án và tự động trang bị đầu thu giúp giảm bớt ngân sách Nhà nước. Ví dụ đầu năm 2015, gần 14.506 số hộ thuộc diện hỗ trợ tại Đà Nẵng sau khi có được thông tin qua công tác tuyên truyền đã tự động trang bị đầu thu và số hộ cần hỗ trợ còn lại là 5.788 hộ. Điều này đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước gần 4,4 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại cần được khắc phục như: tại các vùng đồi núi trước đây không có sóng truyền hình tương tự (thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) do đó sau khi chuyển sang phát sóng số thì sóng vẫn chưa phủ lên hết 2 thôn này mặc dù đã lắp trạm phát lặp tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc.
 
Ngoài ra, phần lớn các hộ được hỗ trợ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu là người già, bệnh, khó khăn trong việc làm… nên trong quá trình sử dụng còn nhiều bất cập như: không gắn dây ăng-ten vào đầu thu, ăng ten xoay không đúng hướng, độ cao ăng-ten không bảo đảm, dẫn đến việc thu xem không ổn định.
 
Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan nhanh chóng thiết lập trạm phát sóng truyền hình mặt đất tại khu vực Tà Lang, Giàn Bí để phục vụ người dân và phải thông báo đầy đủ thông tin về chính sách bảo hành và đầu mối hỗ trợ kỹ thuật đến các tổ dân phố, hộ gia đình đang sử dụng đầu thu truyền hình số mặt đất đặc biệt ở những hộ nghèo, dân tộc vùng sâu vùng xa… Thêm vào đó, đài truyền hình phải làm tốt công tác nâng cao chất lượng và thời lượng phát sóng sao cho ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều người xem, để công tác tuyên truyền của thành phố đạt được hiệu quả cao hơn.
 
Được biết hiện nay, Sở TT&TT Đà Nẵng vẫn sẵn sàng đường dây nóng để hỗ trợ người dân (thông qua đầu số 1022); đồng thời trực tiếp kiểm tra, nâng cao chất lượng thu xem cho người dân nếu có bất kỳ phản ánh nào.
Nguồn: Theo ictnews.vn