Một số vấn đề cần chú ý trong sản xuất vụ mùa 2016

Vụ mùa có thuận lợi là nền nhiệt độ cao, số giờ nắng nhiều, lúa sinh trưởng phát triển nhanh. Vụ mùa cũng là mùa mưa bão, úng nhưng đôi khi cũng có vụ nắng hạn. Vụ mùa sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều làm giảm năng suất và sản lượng lúa.

lua-thuan-TBR-2259D1172.jpg

Lúa thuần TBR225 chống chịu tốt
 
Vụ mùa ở miền Bắc thường bắt đầu từ cuối tháng 5 và kết thúc vào trung tuần tháng 11. Vụ mùa năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, lúa đông xuân kéo dài thời gian sinh trưởng khoảng trên 10 ngày, trong đó có một bộ phận diện tích thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nên việc gieo cấy lúa mùa sẽ kết thúc muộn hơn so với TBNN và ảnh hưởng tới kế hoạch SX vụ hè thu, vụ đông.
 
Vụ mùa có thuận lợi là nền nhiệt độ cao, số giờ nắng nhiều, lúa sinh trưởng phát triển nhanh. Vụ mùa cũng là mùa mưa bão, úng nhưng đôi khi cũng có vụ nắng hạn. Vụ mùa sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều làm giảm năng suất và sản lượng lúa.
 
Qua công tác lâu năm ở cơ sở và tổng kết kinh nghiệm SX của nông dân, xin trao đổi một số vấn đề SX vụ mùa:
1. Về thời vụ
 
Việc bố trí thời vụ gieo cấy lúa mùa hết sức quan trọng. Trước hết, căn cứ vào tình hình SX rau màu vụ xuân, xuân hè, thu hoạch lúa đông xuân, từ đó bố trí thời vụ cho SX cây hè, hè thu, lúa mùa và sản xuất vụ đông. Mặt khác, việc bố trí thời vụ cần quan tâm đến giống lúa và phương thức gieo cấy, quy luật phát sinh gây hại của sâu bệnh, nhất là sâu đục thân bướm hai chấm lứa 5, rầy nâu, bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông mùa muộn.
 
Căn cứ vào đặc điểm thời tiết chung của vùng và đặc điểm khí hậu tiểu vùng ví dụ như: giai đoạn cuối tháng 8 đầu tháng 9, vùng đồng bằng sông Hồng thường hay mưa nhiều, nếu lúa trỗ bông giai đoạn này tỷ lệ lép cao và bệnh lem lép hạt hại nhiều, năng suất giảm, chất lượng gạo kém.
 
Vì vậy, căn cứ vào các yếu tố trên để bố trí thời vụ cho lúa trỗ bông vào giai đoạn thuận lợi và né tránh lứa sâu, bệnh hại hoặc có biện pháp phòng chống bệnh để bảo đảm năng suất lúa mùa.
 
Việc bố trí thời vụ vụ mùa cần quan tâm đến giới hạn cuối của lịch gieo cấy. Việc gieo cấy lúa mùa sớm, cường độ bức xạ mặt trời cao, lúa sinh trưởng phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng và cho năng suất cao. Lúa mùa thu hoạch sớm vào tuần 1 và 2 ít ảnh hưởng của mưa, sâu bệnh hại.
2. Về giống lúa
 
Lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp với điều kiện SX của địa phương, bố trí SX vụ đông sớm, đồng thời đảm bảo hiệu quả của SX lúa, các giống lúa đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người, chăn nuôi, chế biến, dễ tiêu thụ, gạo có chất lượng, có giá bán cao.
 
Mặt khác, cần quan tâm đưa các giống lúa ngắn ngày, có tiềm năng năng suất khá, có tính chống chịu cao, nhất là tính kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ khô vằn, chịu nóng khá…
 
Cần nắm vững đặc điểm của giống. Đối với một số giống, từ khi gieo cấy đến bước vào làm đòng, thân, lá mềm; từ làm đòng đến thu hoạch cây cứng lên, như một số giống dòng Japonica: DS1, PC26… từ đặc điểm đó nông dân cần bón lót, bón thúc đẻ nhánh đủ lượng. Đối với giống lúa có hiệu ứng hàng biên cao (lúa ở rìa bờ bông to hơn nhiều so với phía trong ruộng), cần bón phân đón đòng kịp thời và đủ lượng, cân đối đạm, kali. Nếu bón đón đòng muộn, lượng phân thiếu, số hạt/bông ít.
 
Đối với chân đất cao, trồng màu, trồng cây vụ đông sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày hoặc ngắn ngày. Riêng giống ngắn ngày, nếu cần tranh thủ thời vụ áp dụng phương thức gieo cấy mạ dược, tăng lượng phân bón lót và bón thúc đẻ nhánh hơn các chân ruộng khác.
 
Đối với trà mùa muộn cần giảm tối đa diện tích gieo cấy, nên sử dụng các giống lúa nếp đặc sản, giống cho giá trị hàng hóa cao. Giai đoạn cuối vụ bảo đảm đủ nước và phòng trừ tốt sâu bệnh.
3. Về phương thức gieo cấy
 
Đối với các giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn từ 80 - 95 ngày chỉ nên áp dụng phương thức gieo thẳng hoặc cấy mạ nền. Nếu cấy mạ nền, tuổi mạ 7 - 8 ngày do từ gieo đến bước vào làm đòng khoảng 20 - 35 ngày, nếu cây lúa không phát triển nhanh thân, lá thì ít bông và bông ngắn.
 
Vì vậy áp dụng phương thức gieo cấy trên lúa sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm, bảo đảm số bông hữu hiệu và số lượng hạt/bông, nếu thâm canh tốt giống cực ngắn ngày vẫn cho năng suất tương đương, thậm chí cao hơn so với các giống có thời gian sinh trưởng dài hơn.
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết đầu vụ mùa năm nay khả năng mưa nhiều, đối với chân trũng cấy mạ dược cần thực hiện biện pháp thâm canh mạ, gieo mạ thưa, bón lót, bón thúc đủ phân chuồng, phân tổng hợp để cây mạ cao cây, đanh dảnh, khi cấy nhổ mạ không xén lá để đề phòng vừa cấy xong gặp mưa lớn, lúa chống úng tốt, ít phải dặm hoặc cấy lại.
 
Về gieo mạ nền, chú ý thường xuyên tưới ẩm cho mạ sinh trưởng phát triển, nền gieo có thể là bùn hoặc đất bột trộn phân chuồng, phân NPK. Độ dày nền khoảng 2cm. Thường xuyên kiểm tra mạ, nếu thấy mạ có biểu hiện thiếu dinh dưỡng hoặc kéo dài tuổi mạ cần tưới nước bùn loãng với phân super lân Lâm Thao hoặc NPK 5-10-3. Tuổi mạ nền căn cứ theo thời gian sinh trưởng từng giống lúa, có thể từ 7 - 20 ngày. Thực tế giống Q5 và BC15 tuổi mạ nền 20 - 25 ngày mới cấy, sau cấy lúa vẫn sinh trưởng phát triển nhanh và cho năng suất cao.
4. Về bón phân với các giống lúa cực ngắn ngày
 
Do thời gian sinh trưởng ngắn nên việc bón phân để lúa phát triển thân, lá nhanh và đẻ nhánh sớm trước khi bước vào làm đòng. Bón phân cho lúa cực ngắn ngày vụ mùa chỉ nên chia làm 2 lần là bón lót và bón đón đòng, giảm công lao động trong việc bón phân nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
 
Cách bón: Bón lót 100% phân chuồng, hữu cơ vi sinh, vi sinh và phân lân, 85% urê, 50% kali, bón khi bừa đan trước khi cấy, phân bón được trộn đều vào các lớp đất trong ruộng. Trong đó có 2 kg urê rắc mặt ruộng ngay sau khi bừa đan. Cấy khi ruộng đã lắng bùn hoặc để qua đêm. Bón đón đòng 15% urê và 50% kali, bón khi 10% dảnh chính có lá trên cùng thắt eo (có ngấn cách chóp lá 3 - 6cm).
Nguồn: Nguồn: nongnghiep.vn