Đứng ngoài “cuộc chơi” ứng dụng công nghệ thông tin, nông dân tụt hậu

Bằng chiếc điện thoại thông minh sẵn có, với phần mềm được tích hợp sẵn, người nông dân biết giá cả nông sản lên, xuống, khỏi cần tính toán hoặc làm theo cảm tính mỗi khi tưới nước, bón phân cho cây trồng hay chăn nuôi thủy, hải sản.

1459157312-bom-564CDE3A.jpg
Việc tưới nước, phun thuốc cho vườn quýt của anh Nguyên Phú Thạnh chỉ cần thông qua chiếc điện thoài này. (Ảnh: Nguyễn Hành/ Dân Trí)
 
Công ty TNHH Ứng dụng Di động Việt Nam (VMA) vừa giới thiệu chương trình Nông dân hiểu biết cho 200 nông dân An Giang. Nông dân hiểu biết là một app – dịch vụ cài sẵn trên điện thoại thông minh và khi bà con cài đặt là có thể sử dụng.
 
Đây là một chương trình ứng dụng nông nghiệp trên điện thoại thông minh và để bà con nông dân có thể tiếp cận được với dòng điện thoại này, VMA hợp tác với Công ty SamSung và Công cổ phần bán lẻ kỹ thuật số để có chương trình bán trả góp điện thoại cho bà con nông dân. 
 
Chương trình Nông dân hiểu biết hiện có ba gói thông tin là gói lúa ĐBSCL, gói thuỷ sản với tên gọi là cá tôm lươn, tiếp đến là gói rau màu. 
 
Mục đích là cung cấp thông tin về giá cả, dịch vụ nông nghiệp, chính sách nông nghiệp, giá cả các mặt hàng nông sản cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân và đối tượng trực tiếp hưởng lợi là khu vực ĐBSCL. Dự kiến vào cuối năm nay, VMA cũng sẽ đưa ra gói chăn nuôi cho khu vực Đông Nam bộ, nơi có những tỉnh thành có thế mạnh về chăn nuôi như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. 
 
Ông Châu Văn Ly , Chủ tịch Hội nông dân An Giang cho biết, đa phần nông dân sử dụng điện thoại chỉ để nhắn tin, gọi điện thoại mà chưa tận dụng hết công dụng của các loại điện thoại thông minh. Ông Ly cũng dẫn chứng, nếu sử dụng các gói trong Nông dân hiểu biết, bà con có thể cập nhật và theo dõi giá nông sản không chỉ tại An Giang mà cả những tỉnh thành lân cận, qua đó, sẽ đoán biết được xu hướng giá tăng hay giảm để biết và quyết định bán hàng.
 
Ngày trước, hầu hết nông dân đều sử dụng điện thoại với chức năng nghe, gọi và nhắn tin nên việc nhắn tin đến tổng đài để được cung cấp thông tin là phù hợp nhất. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các dòng điện thoại thông minh ra đời, chiếc điện thoại trở nên hữu ích hơn cho nhà nông nếu các nhà phát triển phần mềm, các dịch vụ thông tin biết khai thác tốt.
 
Đã có một số công ty đưa ra ý tưởng, thậm chí thử nghiệm việc điều khiển cho cá, tôm ăn; tưới nước; điều khiển nhiệt độ trong trang trại chăn nuôi, trồng trọt từ chiếc điện thoại. Đó là xu thế trên thế giới và Việt Nam không ở ngoài vòng xoáy đó.
 
Ngoài Nông dân hiểu biết, tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (AHTP), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Công ty Global Cyber Soft Vietnam (GCS) vừa tổ chức buổi hội thảo giới thiệu về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp - SmartAgri”.
 
Theo nhà sản xuất, SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. Hệ thống được xây dựng từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc AHTP, phát triển bởi Công ty GCS trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm: Vạn vật Internet (IoT), Phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics) và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của QTSC.
 
SmartAgri giúp tự động hóa quy trình quản lý trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản, hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường và điều khiển các thiết bị: Hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. SmartAgri còn có hệ thống cảnh báo qua tin nhắn, e-mail, chuông báo động…
 
Việc ứng dụng SmartAgri vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất, quản lý quá trình sản xuất tuân theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu… Ứng dụng SmartAgri là giải pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp nông dân giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu so với các hệ thống của các nước đối tác nước ngoài.
 
Nếu làm chủ được các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, nông dân sẽ làm chủ nông nghiệp công nghệ cao.
 
Điển hình như anh nông dân Bùi Ngọc Minh Tâm (An Lạc, Bình Tâm, TP.HCM) với mô hình trồng rau sạch. Bằng kiến thức tự mày mò, anh anh đã nghiên cứu thành công hệ thống tưới rau bằng điện thoại di động.
 
Anh Tâm cho biết phải mất hơn 2 năm để nghiên cứu thành công hệ thống tưới rau này và chính thức đưa vào áp dụng trong vườn rau của gia đình từ năm 2013. Thiết kế của hệ thống bao gồm một tủ điều khiển với 2 chế độ là điều khiển bằng tay và bằng điện thoại di động.
 
Trong đó, nếu điều khiển bằng tay nông dân chỉ cần bấm nút là có thể bơm được. Còn khi không ở nhà nông dân muốn tưới rau thì có thể tưới bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp rồi gửi yêu cầu, tủ điều khiển sẽ phản hồi lại và thực hiện thao tác tưới rau như yêu cầu của tin nhắn.
 
Hay như anh nông dân Nguyên Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vẫn có thể phun thuốc, tưới nước cho vườn quýt gia đình. Ngay cả khi anh đi ăn giỗ, ăn cưới… cách đó hàng trăm kilomet thì vườn quýt vẫn được cấp nước đầy đủ.
 
Năm 2011, trong một lần nhìn đứa con chơi chiếc xe ô tô điều khiển bằng cái remote, anh Thạnh lóe lên ý tưởng sẽ làm hệ thống tưới nước tự động và điều khiển bằng remote. Từ đó, anh bắt tay vào nghiên cứu và sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc điều khiển bằng điện thoại đi động.
 
Trước đây để tưới nước cho 5 công vườn, anh phải tưới từ 7 giờ sáng cho đến 14 giờ chiều. Còn bây giờ, chỉ với cái mô tơ 5 ngựa, anh Thạnh thiết kế 6 van (mỗi van 100 béc), thời gian tưới nước của mỗi van là 10 phút thì việc tưới nước chỉ mất 60 phút.
 
Công nghệ thông tin là xu hướng mà mọi người đều phải tham gia vào, nếu không sẽ bị tụt hậu. Nông dân cũng không thể đứng ngoài “cuộc chơi” này.
Nguồn: Nguồn: hoinongdan.org.vn