'3 giảm, 3 tăng' và trồng hoa bờ ruộng

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng là tạo mỹ quan cho đồng ruộng, tăng cường sức khỏe cho con người, cân bằng hệ sinh thái, giảm áp lực ô nhiễm môi trường và cộng đồng dân cư.

Bà Lệ chăm sóc các loại hoa
 
Mô hình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp trồng hoa trên ruộng lúa của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bá ở ấp Phú Mỹ Thượng, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) được xem là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, ít độc hại cho con người và cả cộng đồng.
 
Năm 2014, ông Bá tham gia phong trào tích cực SX lúa với việc áp dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng của Trạm BVTV huyện Phú Tân. Với diện tích canh tác 5.000m2 giống nếp CK92 giống xác nhận, ông Bá đã trồng các loại hoa sao nhái, cúc, đậu bắp, mè, hướng dương... để thu hút các loại thiên địch, bọ rùa, bướm ký sinh.
 
Bà Nguyễn Thị Lệ, vợ ông Bá chia sẻ kinh nghiệm, các loại hoa rất dễ ươm giống, dễ trồng và chăm sóc. Thời gian ươm giống tốt nhất là từ 15 - 20 ngày trước khi sạ, đảm bảo lúc lúa nếp ở giai đoạn từ 5 - 7 ngày tuổi là có hoa nở. Các loại hoa nở kéo dài hơn 60 ngày và vụ sau lại tiếp tục trồng như thế.
 
Bên cạnh việc áp dụng trồng hoa trên bờ ruộng, ông Bá còn thực hiện mô hình "3 giảm, 3 tăng" sử dụng giống chất lượng cao, giảm lượng giống chỉ từ 120 - 140kg giống/công (1.000m2); giảm số lần phun thuốc trừ sâu từ 3 - 5 lần/vụ; giảm lượng phân đạm bằng cách thường xuyên thăm đồng, sử dụng bảng so màu lá lúa để bón cho phù hợp. Nhờ đó năng suất lúa tăng, chất lượng gạo tốt được thị trường ưa chuộng...
 
Ông Nguyễn Văn Bá cho biết: “Việc áp dụng công nghệ sinh thái đồng ruộng và mô hình "3 giảm, 3 tăng" giúp giảm chi phí đầu tư từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha, năng suất không giảm từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình. Việc áp dụng mô hình còn giúp cây nếp phát triển tốt, cứng cây, ít đổ ngã. Tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở các vụ tiếp theo tại 2 xã Phú Thạnh và Phú An với diện tích hơn 10.000m2”.
 
Ông Bá kiểm tra lúa ứng dụng công nghệ sinh thái
 
Giống lúa nếp CK92 được nhiều nông dân chọn để SX vì tính năng hạt gạo thơm, năng suất cao và ổn định, kháng được nhiều loại sâu bệnh. Bình quân vụ ĐX năng suất đạt 1,3 - 1,4 tấn/công; HT đạt từ 1 - 1,1 tấn/công và TĐ 0,8 - 1 tấn/công với giá bán dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư ông Bá thu lợi nhuận cao hơn so với SX lúa thường từ 2 - 2,5 triệu đồng/công.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Phú Tân cho biết, để khuyến khích nông dân thực hiện công nghệ sinh thái trên đồng ruộng trạm tiến hành hỗ trợ 100% chi phí các loại giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc hoa trên bờ ruộng, đánh giá kết quả thực hiện để nông dân rút kinh nghiệm cho các vụ tiếp theo.
 
Mô hình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng là tạo mỹ quan cho đồng ruộng, tăng cường sức khỏe cho con người, cân bằng hệ sinh thái, giảm áp lực ô nhiễm môi trường và cộng đồng dân cư. Mô hình của ông Nguyễn Văn Bá đã nhận giấy khen của Sở NN-PTNT An Giang và danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện từ năm 2009 đến nay.
 
Nguồn: Nguồn: nongnghiep.vn