Bưu điện Việt Nam chuyển phát hồ sơ và lệ phí xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đặc biệt nhằm đem lại tiện ích cho các trường ĐH, CĐ; tiết kiệm tối đa chi phí, tiền bạc, thời gian cho các thí sinh, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, Bưu điện Việt Nam chính thức thực hiện việc chuyển phát hồ sơ kèm lệ phí xét tuyển trên tất cả các bưu cục.

20160726-m1.jpg
 
Năm nay, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận đăng ký xét tuyển từ ngày 1/8 đến ngày 12/8. Thời gian này, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức đăng ký trực tuyến hoặc qua đường Bưu điện. Trên cơ sở điểm chuẩn các trường công bố, từ ngày 14/8 đến ngày 19/8 thí sinh chính thức nộp hồ sơ xác nhận nguyện vọng học tới các trường kèm bản chính Giấy chứng nhận kết quả kì thi THPT Quốc gia. Việc nộp hồ sơ xác nhận nguyện vọng học chỉ được thực hiện theo phương thức gửi qua đường Bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Sau đó, các trường sẽ tổ chức đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung và kết thúc việc xét tuyển vào ngày 20/10 đối với hệ Đại học và ngày 15/11 đối với hệ Cao đẳng. Tại các đợt xét tuyển bổ sung, các bưu cục tiếp tục nhận chuyển phát hồ sơ xét tuyển như đợt đầu.
 
Để thực hiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường Bưu điện, đối với bước đăng ký xét tuyển (từ ngày 1/8 - 12/8), thí sinh, phụ huynh đến bưu cục giao dịch để cung cấp thông tin đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ đăng ký, lệ phí xét tuyển (nếu có). Bưu điện chấp nhận và gửi hồ đăng ký sơ xét tuyển của thí sinh tới các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của thí sinh, đồng thời thanh toán tiền lệ phí xét tuyển của trường được thu qua Bưu điện. Đối với bước chuyển phát hồ sơ xác nhận nguyện vọng học (những thí sinh trúng tuyển), thí sinh, phụ huynh đến bưu cục để cung cấp thông tin và nộp hồ sơ xác nhận nguyện vọng học (kèm bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia) tới trường mình đăng ký. Sau khi chấp nhận, Bưu điện sẽ gửi hồ sơ xác nhận nguyện vọng  của thí sinh tới các trường Đại học, Cao đẳng, TCCN theo yêu cầu của thí sinh.
 
Tùy theo nhu cầu gửi, thí sinh có thể lựa chọn dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) hoặc chuyển đảm bảo đến các trường Đại học, Cao đẳng. Cước chi trả đối với gói dịch vụ này là 30.000 đồng. Thời gian gửi hồ sơ tới trường được tính theo dấu ngày đóng trên bưu gửi.
 
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời cũng là năm thứ 11 liên tiếp thực hiện việc chuyển phát hồ sơ và lệ phí xét tuyển đến các trường ĐH, CĐ, trong dịp này những bưu gửi phục vụ xét tuyển sẽ được đóng dấu nhận biết riêng và được ưu tiên xử lý nhanh chóng, chính xác, an toàn tại tất cả các khâu khai thác, vận chuyển và phát trả.
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả thí sinh, phụ huynh đồng thời đảm bảo an toàn, chính xác tuyệt đối đối với những hồ sơ xét tuyển, hiện các Bưu điện tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... sẵn sàng triển khai tốt nhất nhiệm vụ này. Các bưu cục cũng sẽ thông tin các trường Đại học, Cao đẳng nhận hồ sơ xét tuyển kèm lệ phí xét tuyển, hoặc các trường có nhận hồ sơ xét tuyển nhưng không nhận kèm lệ phí xét tuyển, cũng như trường không nhận hồ sơ xét tuyển.  Do đây là những văn bản, giấy tờ quan trọng nên ngay khi có bưu gửi đến, lực lượng phát sẽ lập tức chuyển hồ sơ xét tuyển đến các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để đảm bảo thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Bưu điện Việt Nam khuyến cáo, thí sinh, phụ huynh không nên để đến ngày cuối cùng mới gửi hồ sơ xét tuyển, bởi áp lực trong những ngày này thường rất lớn. Các thí sinh cũng không bỏ tiền lệ phí xét tuyển vào phong bì chứa hồ sơ xét tuyển. Thí sinh lưu lại phiếu gửi để làm cơ sở tra cứu, định vị bưu gửi chứa hồ sơ xét tuyển và bưu gửi chứa Kết quả xét tuyển trên website www.vnpost.vn.