Xu hướng IoT: Doanh nghiệp ICT Việt sẽ không tụt hậu so với thế giới!

Bên cạnh những hoạt động sôi động của Triển lãm Vietnam ICT Comm 2016, trong buổi chiều ngày 20/7, phiên hội thảo đầu tiên với chủ đề SMART SOCIETY - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT đã được diễn ra. Đây thực sự là diễn đàn giúp các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp ICT trao đổi những vấn đề liên quan tới ứng dụng Viễn thông - CNTT&TT vào phục vụ xã hội, cộng đồng.

Diễn đàn cũng đã đề cấp tới những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực CNTT như Internet of Things (Internet cho vạn vật). Những quan điểm về nhận thức cũng như sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp ICT Việt tiếp cận với xu hướng mới này một cách hiệu quả nhất.
 
 Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Vietnam ICT Comm 2016
 
Những cái nhất ấn tượng của ngành CNTT

Trong bài phát biểu với chủ đề Hiện trạng chính sách và triển vọng phát triển CNTT tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT đã chia sẻ hàng loạt số liệu thống kê cho thấy sự phát triển ấn tượng của ngành CNTT trong giai đoạn 2010-2015. Theo ông Tuyên, lĩnh vực CNTT đã là một trong những ngành phát triển với tốc độ nhanh nhất, ấn tượng nhất, đóng góp rất lớn cho doanh thu cả đất nước.

Cụ thể, ngành CNTT trở thành ngành đóng thuế cao nhất cả nước, đóng góp vào 10% ngân sách cả nước, vượt rất nhiều ngành được đất nước đầu tư nhiều như Hàng không... Trong đó ngành công nghiệp phần cứng điện tử tăng trưởng cao nhất, đóng góp không nhỏ vào việc cân bằng cán cân xuất nhập khẩu của cả nước.
Doanh thu CNTT 2015 - Nguồn: Vụ CNTT, Bộ TT&TT

Lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang phát triển cũng là một minh chứng cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của CNTT. Theo thông tin được bà Lê Thị Hà, đại diện Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương chia sẻ, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thương mại trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Đến thời điểm này, có tới 62% người dùng Internet Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2015, trung bình mỗi người chi khoảng 160 USD/năm, đem lại doanh thu lên hơn 4 tỉ USD. Con số này dự kiến sẽ lên tới 10 tỉ USD vào năm 2020 (trung bình mỗi người chi 350 USD/người/năm), tương ứng với khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp có website (chiếm khoảng 45% tổng số doanh nghiệp trên cả nước). Tuy nhiên chỉ có khoảng 18% có ứng dụng bán hàng trên di động, tăng tương đối nhiều so với con số 11% của năm 2014. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu nhận biết được vai trò quan trọng của bán hàng trên di động trong bối cảnh hiện tại, dù rằng vẫn khá hạn chế, chưa theo kịp sự gia tăng nhu cầu...

Với những kết quả đã đạt được, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho giai đoạn tiếp theo đó là Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông vào năm 2020, nằm trong top các nước được Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) xếp hạng có nền CNTT phát triển trên thế giới.

Và để thực hiện mục tiêu này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp ICT trong nước đã rất nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng mạng lưới mạnh để đưa ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Vấn đề ưu đãi cho các doanh nghiệp CNTT cũng dành sự quan tâm đặc biệt.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Doanh nghiệp, Bộ KHCN cho biết, Chính phủ đã có sự xoay trục quyết liệt sang hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT và hiện đã có những chính sách ưu đãi nhất định. Từ việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT  tới việc khấu trừ các chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mua các công nghệ cần thiết của doanh nghiệp… Hiện đã có cả nghìn doanh được hưởng các ưu đãi nói trên, trong đó có không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.

Xu hướng mới - IoT: Việt Nam sẽ không tụt hậu!

Bên cạnh việc hỗ trợ về chính sách cho các doanh nghiệp ICT, cơ quan quản lý nhà nước cũng có những định hướng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận với các xu hướng công nghệ mới hiện đại.

Ông Phan Thảo Nguyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT cho hay, thế giới đang ở trong kỷ nguyên của Internet of Things (IoT). Đã có khoảng 15 tỷ thiết bị (thiết bị gia dụng, công nghệ xe hơi, thiết bị cảm biến, thiết bị đeo, smartphone…) được kết nối trên toàn thế giới và dự tính đến năm 2020 con số này sẽ lên tới hơn 50 tỷ. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cũng theo ông Nguyên, VNPT đang là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận xu hướng này.

Giải pháp hoàn chỉnh về IoT được đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT là VNPT Technology xây dựng và phát triển, hỗ trợ rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, y tế, công nghiệp... Giải pháp không thua kém gì giải pháp của các hãng lớn trên thế giới, giúp VNPT đón đầu xu hướng phát triển này của thế giới.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, đại diện của Tập đoàn VNPT cho hay, nền tảng IoT của VNPT có tên gọi Smart Connected Platform (SCP). SCP là một nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to - End. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được VNPT cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực.

Trên nền tảng này, VNPT đã phát triển một số ứng dụng quản lý trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, nông nghiệp, môi trường, ngôi nhà thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe, vận hành và giám sát trong nhà máy… giúp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và sử dụng tài nguyên.
Nền tảng IoT của VNPT có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực hoặc ảnh phát biểu của đại diện VNPT tại Hội thảo
Ví dụ trong lĩnh vực giao thông, việc ứng dụng nền tảng IoT SCP sẽ giúp ngành giao thông giảm thiểu được số người chết, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, ngăn chặn tiêu cực và gia tăng hiệu quả đầu tư của ngành...
 
Hiện VNPT Technology đang cùng phối hợp với VNPT-Media hoàn thiện và phát triển các dịch vụ trên nền tảng này. Dự kiến trong năm 2017 nền tảng này sẽ chính thức ra mắt thị trường. “Nền tảng này không hề thua kém với giải pháp của các hãng công nghệ lớn và đại diện của VNPT tin rằng nó sẽ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu những lợi ích mà IoT đem lại cho xã hội” - đại diện của VNPT chia sẻ.
 
Trọn vẹn trong ngày hôm nay, 21/7, phiên tiếp theo của chương trình hội thảo trong khuôn khổ VietNam ICT Comm 2016 sẽ tiếp tục với các chủ đề nóng khác của lĩnh vực Viễn thông - CNTT trong nước và thế giới như Xu hướng Mobility, IoT và mạng xã hội. Đại diện của VNPT-Media sẽ đóng góp những tham luận có tính thực tiễn cao về “Xu hướng giao tiếp, hoạt động xã hội và thương mại điện tử, kinh doanh trên smartphone”; “Tiện ích mạng xã hội trên nền băng rộng và băng rộng di động”; Bệnh viện điện tử; Dịch vụ giá trị gia tăng trên di động và Internet; Truyền thông thế hệ mới…
Nguồn: Theo Tạp chí Xã hội thông tin