Hội nghị Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020

Chiều nay ngày 19/7/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; đại diện các Bộ, Ban, ngành, các sở TT&TT tỉnh/ thành phố (thông qua cầu truyền hình trực tuyến).

2016719-u1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT và sản phẩm CNTT trọng điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chia sẻ, Chương trình mục tiêu về CNTT là Chương trình mới của giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình nhằm đầu tư phát triển cả 3 lĩnh vực: Ứng dụng CNTT, ATTT  và Công nghiệp CNTT. Chương trình cũng có nhiều đặc thù về mục đích, nội dung đầu tư, nhất là yêu cầu đặc thù về kỹ thuật – công nghệ, vì vậy, cần phải có sự phối hợp để đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn đăng ký tham gia thực hiện Chương trình để chuẩn bị cho công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để đảm bảo Báo cáo nghiên cứu khả thi đạt chất lượng, có tính khả thi và kịp thời gian theo yêu cầu của chính phủ.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần góp ý cho việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn, cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến mục tiêu, nội dung đầu tư cũng như khả năng đăng ký tham gia thực hiện Chương trình của các Bộ; ngành, địa phương đảm bảo phù hợp với các chính sách, pháp luật chuyên ngành, cũng như phù hợp với thực tiễn của các Bộ và địa phương.
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, mục tiêu cụ thể của chương trình CNTT giai đoạn 2016-2020 như sau:  Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT thì 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); Đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu thì được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng (căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg); Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối các hệ thống dịch vụ của các Bộ,ngành, địa phương đã sẵn sàng.
 
Đối với lĩnh vực ATTT: Trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm ATTT phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Đến năm 2020 đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; Tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giám sát ATTT mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.
 
Đối với lĩnh vực công nghiệp CNTT, Chương trình hỗ trợ thực hiện:  Hỗ trợ xây dựng ít nhất 07 khu công nghiệp CNTT tập trung; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đối với: ít nhất 03 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chip bán dẫn; ít nhất 06 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan nhà nước và xã hội; ít nhất 01 sản phẩm nội dung số phục vụ cơ quan nhà nước.
 
Bộ TT&TT cũng đã đề xuất vốn đầu tư của Chương trình là 8.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển của NSNN là 5.500 tỷ đồng; còn lại là vốn sự nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo dự kiến hiện nay thì vốn đầu tư của NSNN bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương. Vốn đầu tư của ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn lại các địa phương cần bổ sung vốn để dự án do địa phương thực hiện phải đảm bảo quy mô theo quy định.
 
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT cho biết, Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020 cần tập trung giải quyết ba mục tiêu cụ thể: 100% các Bộ, cơ quan nganh Bộ, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP);  Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thống các hệ Trung ương – địa phương để kết nối dịch vụ của các Bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng (NSLP); Đáp ứng được các yêu cầu kết nối các hệ thống thông tin của các Bộ với các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương đến địa phương.
 
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng nhấn mạnh, thông qua Chương trình mục tiêu này, Bộ TT&TT đã xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn, hệ thống để kết nối liên thông, giải quyết hết những vướng mắc kỹ thuật .
 
Tại Hội nghị, đại diện các Sở TT&TT tỉnh/thành phố cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi, góp ý và kiến nghị với Bộ TT&TT về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT tại địa phương./.