“Quả ngọt” từ nông nghiệp công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao (CNTT, CNC) vào nông nghiệp giúp bà con nông dân cho ra đời những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tăng khả năng kháng bệnh… là những tin vui từ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh.

Thăm ruộng dưa lưới rộng một nghìn mét vuông lúc lỉu quả, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp phấn khởi khoe: “Đây là thành quả khi chúng tôi ứng dụng CNTT trong nông nghiệp (SmartAgri). Sản phẩm đầu tiên là dưa lưới bắt đầu trồng từ cuối năm 2015. Cứ một nghìn mét vuông đất được đầu tư sẽ cho thu hoạch từ 3 đến 4 tấn dưa lưới sau 65 ngày. Giá thu mua ngay tại vườn từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Các siêu thị lớn như Co.op Mart, Big C, Aeon và các cửa hàng kinh doanh trái cây tại thành phố đều đặt hàng, hiện nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cho nên bà con đầu tư trồng dưa lưới sẽ chưa phải lo về đầu ra”.
 
Ứng dụng SmartAgri trên dưa lưới do Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp Ban Quản lý Khu Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh và Công ty Global CyberSoft Vietnam (GCS) thực hiện. Phần mềm với tính năng hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ; thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH… và điều khiển các thiết bị để giữ cho điều kiện môi trường tuân theo quy trình chuẩn. SmartAgri cũng hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất. Đồng thời, thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…
 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, dưa lưới ở đây được trồng trong các nhà màng theo công nghệ của I-xra-en. Mỗi nhà được bao phủ bằng lưới ngăn côn trùng, mái bằng vải nhựa chuyên dùng, có khả năng che mưa, gió. Cây dưa được trồng trong các giá thể lớn, được lót bạt cao-su, cho nên cây không trực tiếp tiếp đất. Hệ thống ống từ máy tưới dẫn nước đến tận gốc dưa đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, điều kiện thời tiết vào chế độ cài đặt vi tính. Việc bón phân kết hợp với việc tưới nước cũng được cài đặt với các chủng loại phân, liều dùng… hoàn toàn tự động bổ sung vào tưới nước cho dưa. Đại diện GCS, ông Trần Kim Vũ cho biết: “Đây là hệ thống nhằm tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản, hạn chế thấp nhất số lượng nhân công. Nếu như trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, thì với phần mềm này, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Điều này bảo đảm cho các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở mức độ phù hợp nhất”.
 
Thực tế cho thấy, khi ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, người nông dân sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất. Họ cũng quản lý quá trình sản xuất tốt hơn, đúng với các tiêu chuẩn thông dụng hiện nay như VietGAP, GlobalGAP… tạo nhiều thuận lợi cho việc đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Bằng việc ghi nhận, phân tích dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, người làm nông cũng có thể quản lý, truy xuất thông tin, theo dõi mùa vụ… ở bất cứ nơi đâu (thông qua thiết bị di động) với các báo cáo, phân tích dữ liệu chuyên sâu.
 
Hiện nay, quy trình SmartAgri trên dưa lưới đã được chuyển giao công nghệ cho nhiều doanh nghiệp. Phần lớn các loại dưa lưới đang bán đều được trồng trong nước, cho nên gần như “đánh bạt” dưa lưới Trung Quốc. Với sản phẩm dưa lưới trồng tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài dưa lưới, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh còn ứng dụng công nghệ cao trên cà chua bi, các loại rau ăn lá (chủ yếu là cải), ớt chuyên dành cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp, nông dân có đủ điều kiện để tham gia sử dụng thử nghiệm hệ thống quản lý SmartAgri có thể đăng ký và được cung cấp giải pháp miễn phí (sử dụng thử) trong thời gian tới.
 
Hiệu quả là vậy, nhưng theo nhiều nông dân, doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của chương trình là chi phí đầu tư khá cao. Hiện, một nhà màng sử dụng cho diện tích một nghìn mét vuông mất 300-600 triệu đồng, chưa kể giống, đầu tư lắp đặt một số thiết bị trung bình cũng từ 10 đến 15 triệu đồng/bộ… Nhưng bù lại, dưa trồng trong nhà cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được từ 3 đến 4 vụ/năm.