Quảng Trị: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 17/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về tăng cường sự lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhìn chung các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tích cực tổ chức phổ biến các nội dung chỉ thị đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động và nhân dân. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững được nâng lên; đã tạo thêm được nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề, bao gồm 3 trường trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 12 cơ sở dạy nghề khác thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tăng thêm 4 cơ sở dạy nghề so với năm 2011. Về cơ bản, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động, nhất là lao động nông thôn. Đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo là 43,55%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề 32,85%; tỉ lệ lao động được đào tạo nghề lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm gần 56%, lĩnh vực nông nghiệp 44%.

Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 25.566 người, chiếm 69,22% so với tổng tuyển sinh đào tạo nghề cả giai đoạn 2011-2015 với tỉ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng kỹ năng, năng suất và thu nhập cao hơn ước đạt khoảng trên 80%. Hiện nay toàn tỉnh có 12 mô hình điểm dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, đã được nhân rộng, đó là mô hình: trồng và chăm sóc cây ném; trồng và chăm sóc các loại hoa; trồng sắn; nghề kỹ thuật chế biến nước mắm; đào tạo nghề may công nghiệp. Năm 2015, tiếp tục xây dựng thêm 6 mô hình điểm mới: chế biến và bảo quản nông sản; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu; kỹ thuật nuôi gà thả vườn; kỹ thuật nuôi ong; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho dê.

Có thể nói công tác đào tạo nghề cho người lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh giai đoạn 2011- 2015 được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mạng lưới cơ sở dạy nghề có tăng về số lượng và phân bố hợp lý theo địa giới hành chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề được tăng cường, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình, giáo án từng bước được cải tiến và hoàn thiện. Công tác dạy nghề đã giúp thực hiện hiệu quả hơn về giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển…

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là có nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác dạy nghề; nhận thức của người dân về học nghề còn chưa đầy đủ, tham gia học nghề còn mang tính phong trào. Công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng đào tạo ở các cấp học THCS và THPT chưa tốt. Việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm và sử dụng trang thiết bị dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề tổng hợp cấp huyện còn lãng phí, chưa khai thác hết hiệu quả của các thiết bị được đầu tư; hiệu quả công tác dạy nghề chưa cao…

Mục tiêu đề ra của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 là tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 61.000 lao động nông thôn, bình quân mỗi năm đào tạo trên 12,2 ngàn lao động, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65-70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỉ lệ trên 28%. Phấn đấu sau đào tạo có 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Muốn đạt được mục tiêu trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung và cho lao động nông thôn nói riêng trong các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân và người lao động. Tăng cường công tác chỉ đạo và nâng cao hiệu quả triển khai tổ chức thực hiện; tổ chức định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề. Xây dựng, nhân rộng mô hình điểm dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề. Huy động, bố trí đủ nguồn kinh phí để tổ chức dạy nghề và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn…

Làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần giải quyết việc làm, một vấn đề bức xúc đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa sẽ đáp ứng nhu cầu kỹ năng nghề nghiệp cao của các ngành kinh tế mũi nhọn, các nghề trọng điểm phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động; mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Mặt khác, làm tốt công tác đào tạo nghề sẽ góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; đồng thời đó cũng là nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, lao động quốc tế và khu vực, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã được vận hành. Trong các nhiệm vụ, giải pháp, cần quan tâm phổ cập nghề cho các nhóm lao động nông thôn, lao động nghèo, lao động ở thành thị chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề nhằm trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Nguồn: baoquangtri.vn