Doanh nghiệp Việt đừng đợi TPP có hiệu lực mới lo vấn đề sở hữu trí tuệ

Nhiều chuyên gia lo ngại, khi tỷ lệ phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân tại Việt Nam vẫn có 81% là “hàng lậu” thì các doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa khi tham gia TPP.

20160704-pg2.jpg
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi tọa đàm
 
Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi chúng ta phải thực hiện toàn bộ các cam kết trong hiệp định này đặc biệt là sở hữu trí tuệ (SHTT) khi đây còn là lĩnh vực bị nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ. Đây là một trong những nội dung chính của buổi Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP được Bộ KH&CN, VCCI phối hợp với và Liên minh Phần mềm (BSA) tổ chức tháng 4/2016.
 
TPP được xem là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu với khoảng 800 triệu dân số và bổ sung cho thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm, chiếm 26% lượng hàng hóa trung chuyển trên thế giới. Hiệp định này có tác động mạnh vào nền kinh tế thành viên với sức tăng 8 – 10 % vào năm 2030. Trong đó, SHTT và bảo hộ quyền SHTT được đặc biệt coi trọng trong hiệp định này khi chiếm tới 37 phiên thảo luận (trong tổng số 40 phiên đàm phán TPP).
 
Tại tọa đàm, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết: Quyền SHTT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp bởi quyền SHTT là tải sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà là còn công cụ pháp lý để bảo vệ và giúp doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử. Quyền SHTT đối với các đối tượng cụ thể như các sản phẩm được sản xuất dựa trên các bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh,…đang thể hiện sự hiện diện của các doanh nghệp, tổ chức, cá nhân người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT không thể thiếu đối với cả các doanh nghiệp và quốc gia.
 
Nhìn nhận về năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, ông Trần Minh Dũng cho hay, thời gian qua, việc thực thi quyền SHTT đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều thách thức khi các hành vi xâm phạm ngày càng gia tăng và phức tạp.
 
Số liệu thực tiễn xử lý cho thấy, từ  2012 – 2015 các lực lượng đã xử lý 26.004 vụ việc liên quan đến vi phạm về SHTT, xử phạt 68 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm nhãn hiệu xâm phạm chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, thời trang, sản phẩm điện,...điều này cho thấy các doanh nghiệp và cả người dùng Việt vẫn chưa thực sự ý thức về vấn đề quyền SHTT.
 
Về thực trạng vấn đề SHTT tại Việt Nam, đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm, một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó, thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT.  Chẳng hạn trong lĩnh vực phần mềm máy tính. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Theo thống kê, hiện vẫn có tới 81% phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân tại Việt Nam là “hàng lậu” thì các doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa khi tham gia TPP. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT ngay cả khi TPP chưa có hiệu lực và có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực, về kỹ thuật để khi hội nhập TPP để có thể tránh được các rắc rối có thể xảy ra.
 
Đồng ý kiến, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, Việt Nam là quốc gia có trình độ phát triển gần như thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP. Vì vậy, có quá nhiều thách lớn đặt ra và nếu vượt qua, chúng ta sẽ có bước tiến lớn trong thời gian tới.
 
Về vai trò của doanh nghiệp trong việc thực thi quyền SHTT trong TPP, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: Trong tất cả các vấn đề của TPP, SHTT là một trong những vấn đề lớn nhất Việt Nam phải đối mặt. Nếu không nhận thức đầy đủ, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề về SHTT các doanh nghiệp Việt lại chưa nắm rõ càng khiến cho câu chuyện SHTT với doanh nghiệp Việt trước thềm TPP trở nên phức tạp.
 
Về giải pháp, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Bộ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SHTT, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về nội dung. Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đàm phán với chủ sở hữu. Mặt khác, sẽ khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm của mình. Đồng thời, cải thiện những bất cập trong việc thu phí bản quyền, mức phí cần hài hòa các lợi ích tác giả, người cung cấp dịch vụ và người dùng. Tập trung vào một đầu mối để đàm phán và ký kết./.
Nguồn: (theo ictnews.vn)