Nhiều chính sách ICT có hiệu lực vào 1/7

Tháng 7 này là thời điểm có nhiều chính sách quan trọng của lĩnh vực ICT có hiệu lực như Luật An toàn thông tin mạng; vấn đề về thu hồi tên miền Internet...

Phát tán thư rác có thể bị xử lý hình sự
 
Đó là một trong những nội dung nổi bật của Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật quan trọng sẽ làm nền tảng cho việc triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. 
 
20160601-m1.jpg
 
Được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bắt đầu xây dựng từ năm 2011, sau gần 4 năm hoàn thiện, ngày 19/11/2015, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành.
 
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 Chương, 54 Điều, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
 
Luật An toàn thông tin mạng được ban hành sẽ hướng đến giải quyết các yêu cầu về an toàn thông tin mạng quốc gia, qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành và phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin mạng, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Luật An toàn thông tin mạng cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; mở rộng hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
 
Điểm được quan tâm trong Luật An toàn thông tin mạng đó là 6 hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4, điều 7 của Luật. Đó là: Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật; Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng; Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin; Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân; Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
 
Ngoài ra, điểm đáng chú ý nữa của Luật này quy định, các tổ chức, cá nhân xử lý thông tin không được cung cấp, phát tán thông tin cá nhân thu thập được cho bên thứ ba. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.
 
Thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm sẽ bị cấm nhập khẩu
 
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ thay thế cho Thông tư 20 năm 2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo đó, từ năm 2016, các máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm sẽ bị cấm nhập khẩu về Việt Nam
 
Theo Thông tư này, để được phép nhập khẩu vào Việt Nam, các thiết bị cũ phải có tuổi không quá 10 năm và phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
 
Thông tư 23 cũng qui định rõ: Thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
 
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/5/2016 đã quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Quyết định này quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu CNTT.
 
Theo đó, có 6 trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm:
 
1- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức.
 
2- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.
 
3- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài.
 
4- Nhập khẩu sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng.
 
5- Tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa.
 
6- Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.
 
Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.
 
Thu hồi tên miền “.vn” nếu vi phạm sở hữu trí tuệ
 
Ngày 8/6/2016, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh đã cùng ký ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
 
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2016, Thông tư liên tịch gồm 4 chương với 16 điều, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền “.vn”; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tên miền “.vn”; Các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý tên miền; Nhà đăng ký tên miền “.vn”.
 
Theo quy định tại Thông tư, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm áp dụng biện pháp thu hồi tên miền “.vn” trong các trường hợp: Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thay đổi thông tin tên miền “.vn” hoặc trả lại tên miền “.vn” theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền ".vn" theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Việc áp dụng biện pháp thu hồi tên miền “.vn” và yêu cầu cơ quan quản lý tên miền thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật liên quan đến tên miền “.vn” trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia được nêu rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính./.
Nguồn: Phạm Lê (VnMedia)