Điều 3.3.LQ.8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử

Điều 3.3.LQ.8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử
(Điều 8 Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2006)
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử tại địa phương.
 
Điều 3.3.NĐ.1.6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số
(Điều 6 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ sửa đổi. bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ sửa đổi. bổ sung một số điều Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014)
1. Bộ Thông tin và Truyền thông[1] chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, bao gồm:
a) Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số;
b) Ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
d)[2] Chủ trì, phối hợp với bộ ngành liên quan trong việc quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm: Cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng, công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài, cấp phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và các hoạt động cần thiết khác."
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện hợp tác quốc tế về dịch vụ chứng thực chữ ký số;
e) Thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
g)[3] Thực hiện quản lý thuê bao, chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam;
h)[4] Ban hành quy định về xác thực chéo giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;
i)[5] Kiểm tra và quản lý thông tin các hoạt động sử dụng chứng thư số nuớc ngoài được chấp nhận tại Việt Nam;
k)[6] Kiểm tra và quản lý thông tin về các hoạt động có chấp nhận chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành khác có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông để thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
4. Ban Cơ yếu Chính phủ thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
 
Điều 3.3.NĐ.2.16. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
(Điều 16 Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/03/2007)
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm và quyền hạn:
a) Chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định lộ trình hợp lý sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của các cơ quan tài chính, tổ chức, cá nhân;
c) Tổ chức đào tạo, hướng dẫn và thực hiện các hoạt động hỗ trợ ứng dụng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
d) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật và nghiệp vụ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
đ) Thực hiện các biện pháp bảo mật, dự phòng cần thiết cho hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử thuộc phạm vi quản lý;
e) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính cho các cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan tài chính;
g) Quyết định việc công nhận Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính tham gia cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với cơ quan tài chính;
h) Quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của cơ quan tài chính trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật.
 
Điều 3.3.NĐ.7.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan
(Điều 5 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013)
1. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 27 Luật Hải quan; Luật Quản lý thuế; Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.
2. Xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Tuyên truyền, hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn người khai hải quan thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan điện tử. Kiểm tra và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm.
 
Điều 3.3.NĐ.8.6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử
(Điều 6 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013)
1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
 
Điều 3.3.TT.5.14. Trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị
(Điều 14 Thông tư số 05/2010/TT-BNV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2010)
1. Triển khai và ứng dụng có hiệu quả chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
2. Căn cứ yêu cầu đảm bảo an toàn và xác thực thông tin trong giao dịch điện tử phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề xuất cấp chứng thư số cho thuê bao thuộc quyền quản lý.
 
Điều 3.3.TT.5.15. Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ
(Điều 15 Thông tư số 05/2010/TT-BNV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2010)
1. Quản lý, chỉ đạo Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị bảo đảm việc cung cấp chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số một cách hiệu quả trên cơ sở có quy hoạch nhu cầu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan để tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng nhằm đảm bảo an toàn và xác thực thông tin.
3. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chữ ký số phù hợp với các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
4. Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
 
Điều 3.3.TT.19.8. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
(Điều 8 Thông tư số 17/2014/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2015)
1. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia có trách nhiệm:
a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện báo cáo;
b) Cập nhật, lưu trữ và sử dụng thông tin báo cáo theo đúng quy định của pháp luật;
c) Cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng có liên quan;
d) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động chứng thực chữ ký số.
2. Cục An toàn thông tin có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra Bộ có trách nhiệm:
Chủ trì xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.

 


[1] Cụm từ “Bộ Bưu chính, Viễn thông” được thay thế bởi cụm từ “Bộ Thông tin và Truyền thông” theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2012.
[2] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[3] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007,có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[4] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007,có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[5] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007,có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[6] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007,có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.