Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Một số tờ báo thổi phồng quá mức trong vụ cá chết

"Khi cá chết không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói.

Chiều tối 5/5, trao đổi với báo chí tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, khi đề cập đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung xảy ra trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng lại khoanh vùng rộng tới 50 hải lý, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, sau khi có sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế, không chỉ ảnh hưởng tới ngư dân mà còn ảnh hưởng tới người làm hậu cần nghề cá, hoạt động du lịch...

"Tại sao khi cá chết như vậy lại khoanh vùng rộng hơn mà không khoanh vùng hẹp hơn? Khoanh vùng rộng để bảo đảm an toàn lớn hơn. Khi cá chết không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn", Bộ trưởng nói.
 
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khi phát hiện cá chết, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo kịp thời, tới tất cả các bộ, ngành. Bộ TT&TT chỉ liên quan đến phần thông tin, truyền thông nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu đi vào các tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế có đúng như báo chí nêu hay không?
 
Đánh giá về việc tham gia phản ánh của các báo trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, một số cơ quan báo chí rất tích cực vào cuộc, giúp cơ quan, ban, ngành nắm thực chất, rõ tình hình, có giải pháp cảnh báo người dân và dự báo đề phòng cả những nguy cơ tiếp theo.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin thổi phồng, suy diễn quá mức, ví dụ đặt tít phải chăng nguyên nhân do chỗ này chỗ kia… Khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì cứ truy bức đưa ra nguyên nhân trước. Các cơ quan báo chí lại đưa nguyên nhân trước các cơ quan chức năng là Bộ TN&MT, KH&CN, NN&PTNT...
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan báo chí phải đưa tin 2 chiều. Một mặt cấm người dân sử dụng, thu gom để vận chuyển đi địa bàn khác sử dụng, tiêu thụ, chế biến và ăn hải sản ở khu vực ven bờ đã chết không rõ nguyên nhân, bị nhiễm độc hoặc lừ đừ gần chết. 
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải tuyên truyền cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn, ví dụ các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương vì không thể có cá ngừ đại dương sống ở trong khu vực 50 hải lý trở lại. 
 
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu chúng ta không tuyên truyền việc đó, người dân không hiểu, tẩy chay cả hải sản đánh bắt xa bờ, thì thiệt hại rất lớn, vô tình tiếp tay làm thiệt hại lớn hơn cho ngư dân vùng biển. 
 
"Có những ngư dân khóc bởi đánh bắt xa bờ, 150 hải lý, về không ai mua cả, người ta đổ cá ra đường. Mình tuyên truyền thế nào một mặt để người dân hiểu rõ những loại nào, khu vực nào không được ăn, những loại nào thì an toàn", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
 
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong báo chí đưa tin một cách trung thực, chính xác, khách quan bảo đảm cơ sở khoa học, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận. 
 
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay có tâm lý đã là cá biển thì không dùng, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền về sản phẩm, hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch ở các tỉnh miền Trung. Đồng thời tuyên truyền bảo vệ môi trường. 
 
"Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian sớm nhất công bố nguyên nhân sự cố, dựa trên kết luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đang ở khu vực 4 tỉnh miền Trung. Các cục, vụ thuộc Bộ TT&TT sẽ thường trực để tiếp nhận thông tin là cung cấp ngay cho báo chí", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Nguồn: Infonet