Huế: Xây dựng 27 Trung tâm TT&TT cộng đồng từ mô hình Bưu điện Văn hóa xã

Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên của cả nước đã trích ngân sách để cùng với Bưu điện tỉnh xây dựng 27 điểm Bưu điện Văn hóa xã thành mô hình Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng. Dự kiến mô hình sẽ tiếp tục được tỉnh nhân rộng trong giai đoạn 2016-2020.

20160505-m5.jpg
 
Khai trương Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
 
Trong khi nhiều tỉnh chật vật duy trì hoạt động hệ thống điểm Bưu điện Văn hóa xã, thậm chí không ít điểm còn bị bỏ quên thì Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên của cả nước đã trích ngân sách để xây dựng một số điểm Bưu điện Văn hóa xã thành mô hình Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng. Sau khi được đầu tư xây dựng, các điểm này đã hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.
 
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho hay, tháng 5/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 910/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hóa xã phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 – 2015” (Đề án 910).
 
Tổng kinh phí được tỉnh đầu tư từ ngân sách địa phương cho Đề án trong hai năm 2014 và 2015 là 1,6 tỷ đồng. Trong đó, số kinh phí được duyệt để triển khai cho 6 điểm Bưu điện Văn hóa xã năm 2014 là 600 triệu đồng, năm 2015 được nâng lên 1,1 tỷ đồng cho 14 điểm Bưu điện Văn hóa xã.
 
Nguồn kinh phí này dùng để trang bị cho mỗi điểm 4 bộ máy tính để bàn, 1 bộ bàn ghế đọc sách và 1 giá sách, lắp đặt đường truyền ADSL. Hỗ trợ các đầu sách về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dân số, kế hoạch hóa gia đình, y tế, giáo dục. Tập huấn ứng dụng CNTT và sử dụng Internet cho lãnh đạo xã, cán bộ văn hóa thông tin và nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đó cũng dùng để mua báo Nông thôn ngày nay, báo Khoa học và Đời sống nhằm cung cấp thông tin cho người dân.
 
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức luân chuyển đầu sách từ thư viện tỉnh và thư viện huyện đến các điểm Bưu điện văn hóa xã, bình quân mỗi điểm 200 đầu sách. Sở TT&TT cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở VH-TT&DL, Bưu điện tỉnh để phát động phong trào quyên góp sách tại các trường học, kết quả đã quyên góp trên 8.000 sách báo các loại để cung cấp cho 27 điểm Bưu điện Văn hóa xã của Đề án 910.
 
Cùng với đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nâng cấp tu sửa cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại 27 điểm của Đề án với tổng kinh phí 1,368 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở cửa theo đúng thời gian quy định, duy trì các dịch vụ cơ bản, Bưu điện tỉnh còn triển khai nhiều dịch vụ mới như bán bảo hiểm, tiết kiệm bưu điện, bán SIM thẻ, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Bưu điện tỉnh dự kiến sẽ triển khai bán bảo hiểm dân sự ô tô, thu hộ chi hộ tại các điểm có máy tính.
 
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cho người dân, Bưu điện tỉnh cũng lồng ghép công tác thông tin tuyên truyền cho người dân thông qua các đợt chi trả lương hưu tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã, nhân viên đã giới thiệu cho các bác hưu trí, đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội về sách báo, Internet để đọc và tra cứu khi cần thiết.
 
Đánh giá về hiệu quả của Đề án 910, ông Nguyễn Đức Hùng cho hay, sau nhiều năm bị “ngủ quên” các điểm Bưu điện Văn hóa xã đã được đánh thức nhờ Đề án 910, các cấp ủy chính quyền đã vào cuộc, Bưu điện tỉnh đã quyết liệt tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bưu chính công ích, làm thay đổi diện mạo của các điểm này.
 
Cơ sở vật chất khang trang, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đã thu hút người dân tới sử dụng dịch vụ, đọc sách báo, tìm kiếm thông tin tại các điểm này. Chỉ sau hai năm, Thừa Thiên Huế đã có 27 điểm Bưu điện Văn hóa xã thực sự trở thành Trung tâm Thông tin và Truyền thông tại cộng đồng. Có thể nói, đây là mô hình được xây dựng và duy trì với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
 
“Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng thực sự một thiết chế thông tin và truyền thông tại cơ sở, rất thiết thực để người dân đến sinh hoạt, tìm kiếm thông tin qua Internet, tìm hiểu sách báo phục vụ cho sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.”, ông Hùng nói.
 
Sở TT&TT đang tham mưu và trình UBND tỉnh dự thảo Đề án triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hóa xã giai đoạn 2016-2020, với nguồn kinh phí dự kiến trong giai đoạn này là 7 tỷ đồng. Mục tiêu chủ yếu của Đề án là tạo điều kiện để Bưu điện tỉnh, phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng trong 5 năm tới.
 
Mức lương bình quân hiện nay của nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã khoảng 850.000 đồng/tháng chưa đủ sức hút để giữ chân các nhân viên tâm huyết làm việc lâu dài. Trước thực tế này, từ tháng 1/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện hỗ trợ 120.000 đồng/tháng cho nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã từ nguồn ngân sách.
Nguồn: Theo ICTNews