Gặp người lưu giữ hơn 10 vạn con tem và hơn 200 loại tiền cổ

Với niềm đam mê sưu tập các loại tem, tiền cổ, ông Lưu Văn Tuyến (trú số 7B, Phan Châu Trinh, TP Hội An, Quảng Nam) đã đi từ Nam chí Bắc để sưu tập các loại tem, tiền xưa của Việt Nam và thế giới qua các thời kỳ.

Một con tem, một câu chuyện lịch sử ý nghĩa
 
Bắt đầu niềm đam mê sưu tập tem từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua bao thăng trầm cùng biến thiên của thời cuộc, niềm đam mê ấy vẫn luôn cháy bỏng và ngày càng mãnh liệt trong ông.
 
20160428-m2.jpg
 
Ông Lưu Văn Tuyến với bộ sưu tập tem của mình
 
Ông kể: “Học sinh ngày xưa làm gì biết đến inernet, điện thoại, máy tính… chúng tôi chỉ có thú vui duy nhất là đọc sách và sưu tầm tem. Cái thời mà người ta liên lạc với nhau chỉ duy nhất bằng thư từ, muốn thăm hỏi, viết thư tình… đều nhờ qua đường thư tín. Sau khi cha mẹ, anh chị hay những người lớn đọc xong, lũ học sinh chúng tôi sẽ lấy những bì thư nhúng vào nước lạnh cho đến khi tem thư tự bong ra. Vì dán bằng hồ (keo) nên khi gặp nước sẽ tự bong, tem đạt yêu cầu phải đủ toàn bộ răng cưa xung quanh, không trầy xướt hay rách chỗ nào. Để tem có giá trị, người chơi cần một sự tỉ mẩn, kiên trì, niềm đam mê mãnh liệt mới có thể theo đuổi đến cùng”.
20160428-m3.JPG
 
Tem Đông Dương
 
Ông Tuyến cho hay, người sưu tập tem chỉ tìm kiếm và chơi “tem chết”, tức là tem đã được đóng dấu của bưu điện. Như thế độ khó và giá trị của tem mới được nâng lên, đâu dễ mà tìm được.
 
Giai đoạn những năm 50-60-70 của thế kỷ trước, người ta rất thích sưu tập tem. Bưu chính còn dành riêng những tem phát hành vào ngày ra số tem đầu tiên để bán cho người đam mê, hiện nay số lượng tem này rất hiếm, phải nói là vô giá, người ta thường dùng để cho bạn bè thân tín.
 
20160428-m4.JPG
 
Tem Việt Nam cộng hòa
 
Bắt đầu sưu tập tem từ lâu, đến nay ông Tuyến đã có bộ sưu tập tem phong phú với hơn 10 vạn con tem của Việt Nam, Đông Dương và thế giới qua các thời kỳ.
 
Với ông, mỗi một con tem là một câu chuyện lịch sử ý nghĩa và thú vị, ghi dấu lại một thời đã qua. Theo ông, tem Đông Dương là khó khăn và gian nan nhất trong việc tìm kiếm, bởi nó đã xưa và chỉ những người lớn tuổi mới còn lưu giữ những loại tem này.
 
20160428-m5.JPG
 
Tem thế giới theo chủ đề bóng đá
 
Tem Đông Dương là loại tem của ba nước dùng chung, năm 1875 pháp chiếm Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) cho thành lập ngân hàng và phát hành tiền cùng tem dùng chung cho 3 nước mà Pháp đô hộ.
 
Trong giai đoạn 1975-1985, việc phát hành và chơi tem có phần hạn chế. Sau năm 1985, thời kỳ đất nước đổi mới, người ta bắt đầu sưu tầm lại những loại tem cũ. Tem có thể sưu tầm ở bưu điện, nhà bạn bè, ông đi ngao du từ Nam chí Bắc, chỉ cần nơi đâu có tem là ông quyết tìm cho được.
 
20160428-m6.JPG
 
Tem Việt Nam
 
Từ năm 1990, mua lại của những người chơi tem trước 1975 bây giờ không chơi nữa, những người xuất cảnh đi nước ngoài…
 
Mỗi một loại tem được ông phân loại tỉ mỉ, dán vào các quyển album riêng theo chủ đề riêng biệt. Như tem Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tem Dân chủ cộng hòa, tem Việt Nam dân chủ cộng hòa, tem Thế giới, tem Đông Dương… Mỗi loại tem đại diện cho một thời kỳ lịch sử đã qua hay một sự kiện có ý nghĩa được ghi lại qua tem.
 
20160428-m7.JPG
 
20160428-m8.JPG
 
Tem của Campuchia
 
Ông Tuyến chia sẻ: “Ngày xưa, khi chưa có album riêng như bây giờ, chúng tôi phải tự mày mò chế tạo các loại album thủ công để dán tem. Tem nhỏ, lại nhiều, đa dạng nên việc phân loại cần sự tỉ mỉ, công phu, có khi hoàn thành một cuốn album phải mất cả ngày trời ngồi bên nó không ngơi nghỉ”.
 
 
20160428-m9.JPG
 
Con niêm
 
Bên cạnh tem, ông còn sưu tập một loại “tem” đặc biệt khác là con niêm. Con niêm này dành cho những người buôn bán ngoài chợ không có chỗ ngồi cố định. Người quản lý sẽ dùng những con niêm này, thấm nước bọt rồi dán lên nón của người buôn bán. Tùy theo vị trí chỗ ngồi đẹp hay không, con niêm sẽ có giá tiền khác nhau, quản lý chợ sẽ dựa vào đó để chỉ định số tiền sẽ thu.
 
20160428-m10.JPG
 
Ngày đầu tiên phát hành tem
 
Nơi cất giữ hơn 200 loại tiền cổ
 
Sau 1975, đất nước thống nhất, tiền cũng được thay đổi. Khi đó, khá nhiều người không muốn đổi mà vẫn giữ lại nhưng cũng không mua bán được. Số lượng đổi cũng có hạn, ví dụ có 1 triệu nhưng chỉ đổi được 500, 500 tiền còn lại chính là tiền xưa mà những người sưu tập cất công tìm kiếm.
 
Ông bắt đầu sưu tập từ những năm 90, có những chuyến đi mất cả tháng trời, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc nhưng với ông niềm đam mê chính là động lực lớn nhất để tiến bước.
 
Ông chia sẻ: “Sau gần 20 năm tìm kiếm, sưu tập, mỗi vùng đất, con người tôi đi qua và từng gặp đều đọng lại trong tôi một kỷ niệm, một ý nghĩa sâu sắc. Có nhiều nơi tôi đến gặp, xin được sưu tầm tiền cũ nhưng họ không cho cứ từ chối mãi, nghĩ mình có ý đồ gì đó. Phải qua 5-6 lần khước từ, thử thách lòng kiên nhẫn từ họ tôi mới có được điều mình mong chờ. Nhiều người bán lại, nhiều người cho không vì giữ lại cũng chẳng làm gì, họ còn khuyến khích tôi tìm kiếm thêm để lưu giữ những giá trị lịch sử”.
 
Trong “ngân hàng” của mình, ông đang lưu giữ hơn 200 loại tiền cổ trong nước và thế giới qua nhiều thời kỳ lịch sử. Năm 1875, Ngân hàng Đông Dương phát hành một loại tiền chung dành cho 3 nước Việt Nam, Lào, Capuchia. Đặc biệt, người ta phải viết tay vào những tờ tiền này với những thông tin như ngày, tháng, năm sinh, nơi phát hành mỗi khi dùng và nếu hủy bỏ thì đóng dấu vào đó.
 
Ông còn có các tờ 2 USD được phát hành từ những năm 1917, 1928, 1953, 1963, 1976. Tiền Zimbabwe có giá trị 10 ngàn tỷ và 100 ngàn tỷ, đây là những tờ tiền lưu hành nội bộ của đất nước Zimbabwe.
 
Do lạm phát và đỉnh điểm năm 2009 tờ 100 ngàn tỷ chỉ mua được 4 ổ bánh mỳ, cho đến năm 2015 chính phủ nước này quy đổi 75 triệu tỷ chỉ bằng 5 USD.
 
20160428-m11.JPG
 
Tem được ông ghép thành bản đồ Việt Nam
 
Có nhiều loại tiền cổ được sưu tập chính từ người dân phố Hội. Nhiều năm trước, chủ nhân các ngôi nhà cổ Hội An bắt đầu tu sửa nhà mình và họ phát hiện có nhiều tiền cổ được cất giấu trên trần nhà, mái ngói của mình. Điều đó, càng khiến ông có động lực tìm kiếm, sưu tầm nhiều loại tiền trong dân gian, đặc biệt là tại Hội An để góp phần lưu giữ chút hồn xưa phố Hội.
 
Hội An là di sản văn hóa thế giới, mỗi năm có hàng triệu du khách tham quan thì bộ sưu tập tem và tiền cổ của ông Lưu Văn Tuyến chính là điểm nhấn thú vị để níu chân du khách và tăng thêm nét độc đáo của phố Hội.
Nguồn: Theo Dân trí