Nghệ An: Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước

Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và mạng Internet hiện nay đã làm thay đổi căn bản các hoạt động trong đời sống xã hội. Trong đó việc ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong các cơ quan nhà nước là nhu cầu cần thiết trong các giao dịch trên môi trường mạng, nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thực số có hiệu quả còn đảm bảo an toàn tin cậy cho các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan nhà nước.

 Những kết quả bước đầu
 
Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang dần được quan tâm và chú trọng. Các hệ thống cơ bản như Giao ban điện tử, Thư điện tử, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử liên thông hiện đại đã được sử dụng trong hầu hết các cơ quan cấp tỉnh.
 
Cùng với việc vận hành các hệ thống trên, nhu cầu trao đổi, luân chuyển văn bản trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh ngày càng tăng. Một vấn đề đặt ra là cần có giải pháp vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa bảo đảm xác thực tính chính xác nội dung thông tin được gửi nhận qua mạng. Với công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề này được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó chữ ký số là một trong những giải pháp hiện đại, an toàn, hiệu quả nhất.
 
Để triển khai ứng dụng chữ ký số tại Nghệ An, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và cho phép triển khai Dự án khoa học “Xây dựng mô hình ứng dụng thí điểm chữ ký số tại một số sở, ngành cấp tỉnh”. Dự án do Trung tâm CNTT&TT Nghệ An thuộc Sở TT&TT chủ trì thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình ứng dụng chữ ký số tại 4 cơ quan Nhà nước trong tỉnh, làm mô hình nhân rộng cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 
20160425-l2.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Dự án được triển khai trong năm 2015 - 2016 với các nội dung chính: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT, nhu cầu ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan Nhà nước tỉnh Nghệ An; Học tập kinh nghiệm; Khảo sát, lựa chọn bộ công cụ ký số, phần mềm ký số và đề xuất cơ chế quản lý vận hành chứng thư số; Đào tạo, chuyển giao công nghệ; Hội thảo khoa học phổ biến kết quả của dự án. Dự án được triển khai thí điểm tại 4 đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND Thành phố Vinh.
 
Sau hơn một năm triển khai, đến nay, Trung tâm CNTT&TT đã hoàn thành các nội dung chính của dự án như: Điều tra, khảo sát hiện trạng ứng dụng CNTT, nhu cầu ứng dụng chữ ký số tại 27 Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội, Thái Bình; Đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 18 chứng thư số cho tổ chức và 122 chứng thư số cá nhân cho 4 đơn vị ứng dụng thí điểm, đã tổ chức cài đặt tập huấn hướng dẫn, sử dụng bộ công cụ ký số GCA-01, phần mềm ký số vSignPDF cho cán bộ của 04 đơn vị thí điểm thuộc dự án với 8 lớp, cho trên 122 học viên. Nhằm có cơ chế quản lý trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số, Trung tâm CNTT&TT đã tham mưu cho Sở TT&TT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1583/QĐ-UBND ngày 23/04/2015 về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở TT&TT quản lý thuê bao chứng thư số theo quy định và nghiên cứu, xây dựng bộ quy chế quản lý sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 
Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4936/UBND-CN ngày 23/7/2015 về việc triển khai ứng dụng thí điểm chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Nghệ An. Theo văn bản này, kể từ ngày 01/8/2015, các đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, UBND Thành phố Vinh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, TT&TT phải triển khai ứng dụng chứng thư số chuyên dùng đối với các loại văn bản sau: Lịch làm việc (hoặc lịch công tác) của các đơn vị; Thư mời dự hội thảo, hội nghị, các hoạt động của các đơn vị; Báo cáo tháng, quý, 6 tháng, năm; Báo cáo chuyên đề; Báo cáo đột xuất; Các phụ lục số liệu; Các văn bản trao đổi phục vụ công việc; Các dự thảo văn bản, tài liệu (được gửi đính kèm) phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị để nghiên cứu trước; Các thông báo phân công thành viên ban tổ chức của các hoạt động; Kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các hoạt động đã ban hành chính thức; Y sao các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; Công báo tỉnh Nghệ An; Các văn bản số được lưu trữ, khai thác, sử dụng trên các hệ thống: Thư điện tử, Cổng TTĐT, hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
 
Sau 9 tháng chính thức ứng dụng chữ ký số tại 04 đơn vị thí điểm bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định như: Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành được 1.100 văn bản bằng ký số, UBND thành phố Vinh ban hành 1.300 văn bản ký số, Sở TT&TT ban hành 80 văn bản bằng ký số…
 
Một số khó khăn trong ứng dụng chữ ký số
 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc ứng dụng chữ ký số vẫn cò gặp nhiều  khó khăn, nhất là trong nhận thức và thói quen của người sử dụng. Để ứng dụng triệt để chữ ký số, trao đổi giữa các cơ quan nhà nước phải được triển khai hoàn toàn theo hình thức điện tử. Trong khi đó, trao đổi điện tử trong các cơ quan nhà nước chỉ đang ở mức khởi đầu, chưa thực sự trở thành công cụ chính thống. Đối với các văn bản nhà nước, văn bản giấy với chữ ký “tươi” và “con dấu đỏ” hiện vẫn được xem là minh chứng duy nhất cho hiệu lực của văn bản. Văn bản điện tử mặc dù đã được Chính phủ công nhận có giá trị tương đương nhưng trên thực tế chưa được người dùng sử dụng quen.
 
Mặt khác, hạ tầng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ hiện đang đứng trước những yêu cầu cần mở rộng về quy mô và nâng cao năng lực phục vụ. Cần xây dựng cơ chế xác thực liên thông giữa hệ thống chứng thực giữa chữ ký số cho các cơ quan nhà nước với chữ ký số cho doanh nghiệp, cùng với đó là sự gia tăng về số lượng chứng thư số cấp phát mỗi năm và sự mở rộng phạm vi cấp phát cho các Bộ, ngành và địa phương thì đây là những yêu cầu cần thiết.
 
Để triển khai và ứng dụng tốt việc sử dụng chữ ký số, các cơ quan, đơn vị cần bảo đảm các yếu tố: Hạ tầng CNTT với hệ thống mạng hoạt động ổn định, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu hoặc mạng Internet; Nguồn nhân lực là cán bộ chuyên trách CNTT hoặc Bộ phận chuyên trách CNTT có khả năng hỗ trợ người dùng tại các đơn vị. Đồng thời làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, quy định của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu; Hỗ trợ kỹ thuật kịp thời và đầy đủ trong quá trình ứng dụng chữ ký số tại cơ quan nhà nước các cấp. Các cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, quy chế về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số, phấn đấu từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An./.