Ông Trương Gia Bình tái đắc cử chức vụ Chủ tịch VINASA

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA), PGS.TS Trương Gia Bình đã tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hiệp hội với số phiếu ủng hộ 100%. Hội nghị cũng đã bầu 10 Phó chủ tịch và bầu bà Nguyễn Thị Thu Giang là Tổng thư ký Hiệp hội khoá IV.

VINASA đóng góp lớn vào sự phát triển CNTT Việt Nam
 
Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2016 - 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 23 - 24/4/2016. Đây là sự kiện rất quan trọng của ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.
 
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể Đại hội IV của VINASA diễn ra vào sáng 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao, biểu dương VINASA đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và cho các doanh nghiệp hội viên, đặc biệt là hoạt động luôn rất sáng tạo, nhiều đổi mới, hiệu quả.
 
20160424-m2_3.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ ba từ trái sang) trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho VINASA.
 
"Trong nhiệm kỳ vừa qua VINASA đã có nhiều hoạt động rất thiết thực và cũng rất mới, không chỉ đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng CNTT, những người làm phần mềm, dịch vụ CNTT mà đặc biệt VINASA bằng hoạt động của mình, phản biện và góp ý xây dựng chính sách và tiến hành thực hiện một số mô hình kể cả từ ý tưởng cho đến sản xuất. Có thể nói ngành CNTT-TT nói chung và ngành phần mềm, dịch vụ CNTT nói riêng thời gian qua vẫn giữ được đà phát triển", Phó Thủ tướng nói.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn theo kịp các nước phát triển trong khu vực, nước ta cần duy trì tốc độ tăng trưởng 8-9% liên tục 20 năm tới. Muốn như vậy cần phát huy CNTT, trong đó có phần mềm và dịch vụ CNTT mạnh mẽ hơn nữa. Hiệp hội cần phát huy kết quả của nhiệm kỳ vừa qua đã làm rất tốt công tác tư vấn, phản biện chính sách cho Chính phủ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành để trình Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách mới để phát triển ngành và đất nước”.
 
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, trong thời gian tới VINASA cần quan tâm phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp; về giải quyết bài toán về thiếu nhân lực, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần phối hợp với các trường Đại học tốt hơn nữa.
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Hiệp hội về những đóng góp quan trọng của VINASA cho sự phát triển của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Cũng tại phiên toàn thể Đại hội IV của VINASA, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 21 cá nhân thuộc VINASA đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam thời gian qua.
 
Báo cáo của VINASA nêu rõ, trong 5 năm 2011 - 2015 vừa qua, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước cũng đã khiến ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì được ở mức 10-15%/năm (giai đoạn 5 năm trước đạt mức rất cao 30-40%/năm), luôn cao gấp 2 - 3 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế. Doanh thu phần mềm tăng từ 1,06 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 1,6 tỷ USD năm 2015, doanh thu dịch vụ CNTT và nội dung số năm 2015 cũng đạt trên 1,6 tỷ USD; tính chung doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2010 lên trên 3 tỷ USD năm 2015, thấp hơn so với giai đoạn 2005-2010. Đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đã có sự lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng, qui mô, trình độ công nghệ và về quản trị doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành tăng trưởng trung bình khoảng 10% năm, đã đạt quy mô gần 200 nghìn người. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 - 95%. Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng và tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành như Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW, Nghị quyết số 36-NQ/BCT của Bộ Chính trị khoá XI, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 80/2014/QĐ-TTg, ...
 
Trong nhiệm kỳ III, VINASA đã có nhiều đổi mới và tổ chức nhiều hoạt động đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành và các doanh nghiệp, được xã hội ghi nhận. Nổi bật là các chương trình hoạt động thường niên như: chương trình Danh hiệu Sao Khuê, Diễn đàn cấp cao về CNTT Việt Nam; Ngày CNTT Nhật Bản tại Việt Nam; Ngày CNTT Việt Nam tại Tokyo; Chương trình quảng bá các Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam ra thế giới; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội viên kết nối giao thương phát triển thị trường trong nước và quốc tế, tổ chức 14 đoàn xúc tiến thương mại vào các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, châu Âu; thiết kế được hàng nghìn cuộc gặp gỡ tìm kiếm đối tác kinh doanh cho doanh nghiệp hội viên... Trong nhiệm kỳ, số lượng hội viên của Hiệp hội đã tăng tới 63%. Các doanh nghiệp ghi nhận tính hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ của VINASA, góp phần giúp nhiều doanh nghiệp đạt kết quả tăng trưởng cao, một số hội viên có sự tăng trưởng cao 60 - 100%/năm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành.
 
20160424-m3.jpg
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các cá nhân xuất sắc của VINASA.
 
Đổi mới đột phá trong hoạt động của VINASA nhiệm kỳ III là các hoạt động tư vấn chính sách với sự thành lập Hội đồng tư vấn chính sách và nhóm tư vấn chiếm lược Think Tank, với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín không chỉ trong lĩnh vực CNTT mà cả các chuyên gia về kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản chính sách đã ghi dấu đậm nét ý kiến của VINASA và nhóm Think Tank như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững, nghị quyết 13 của Trung ương Đảng về phát triển hạ tầng, nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử... Vị trí, vai trò của CNTT đã được Đảng, Nhà nước nâng lên là yếu tố hạ tầng của hạ tầng, là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
 
Ra mắt Ban chấp hành mới gồm 52 ủy viên
 
Trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2020), CNTT nói chung và đặc biệt là ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đang đứng trước những thời cơ phát triển đặc biệt to lớn. Đại hội đã kêu gọi toàn thể các doanh nghiệp hội viên và cộng đồng doanh nghiệp của ngành cùng chung sức nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức để tạo ra sự phát triển bứt phá của từng doanh nghiệp và của toàn ngành để CNTT có thể làm tốt sứ mạng là hạ tầng của hạ tầng, là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới đưa Việt Nam vươn lên sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
 
Đại hội đã thống nhất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của VINASA trong nhiệm kỳ 5 năm tới, đó là tiếp tục thu hút và mở rộng tập hợp các doanh nghiệp trong ngành; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên và với cộng đồng doanh nghiệp CNTT quốc tế; xây dựng Hiệp hội là tổ chức đại diện tin cậy, chỗ dựa vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam; phát triển đa dạng hoạt động và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hội viên; tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt trên 20%; thúc đẩy ứng dụng CNTT trong nước giúp nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia. VINASA sẽ triển khai 7 chương trình hoạt động để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên.
 
Đồng  thời, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu ra Ban Chấp hành gồm 52 ủy viên đại diện cho các doanh nghiệp hội viên ở các lĩnh vực kinh doanh trong ngành, các vùng miền và các quy mô doanh nghiệp, kể cả nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
 
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, PGS.TS Trương Gia Bình đã tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hiệp hội với số phiếu ủng hộ 100%. Hội nghị cũng đã bầu 10 Phó chủ tịch và bầu bà Nguyễn Thị Thu Giang là Tổng thư ký Hiệp hội khoá IV.
 
Ông Trương Gia Bình cho biết: "Với cơ cấu nhân sự mới, gồm các Ủy viên trên nhiều lĩnh vực, Ban Chấp hành khoá IV sẽ có đủ sức mạnh để đẩy mạnh hoạt động của VINASA trên mọi phương diện, trong đó sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start up); Thị trường trong nước, Xuất khẩu phần mềm và dịch vụ BPO; Toàn cầu hoá; Tư vấn Chính sách; Phát triển hoạt động và hội viên khu vực phía Nam…”
Nguồn: Theo ICTNews