SDTV giải thích lý do mất tín hiệu truyền hình số ở Long An

Đại diện công ty SDTV cho biết, hiện tượng mất tín hiệu truyền hình số tại một số điểm ở Long An là do phát sinh các điểm “mù” trong vùng phủ sóng khi thiết lập nhiều trạm phát sóng mới. Để khắc phục, người dùng cần điều chỉnh lại anten để tìm được hướng thu tốt nhất.

 
Sau khi Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) phát sóng kênh 33 ở trạm Long An, một số người dân ở Long An, Tiền Giang đã phản ánh trên Diễn đàn DVB-T2 về tình trạng tín hiệu sóng truyền hình số yếu, không thu được ở một số nơi. Tình trạng sóng truyền hình chập chờn này mới xảy ra kể từ khi SDTV phát sóng K33 tại trạm Long An từ ngày 15/3/2016.
 
Cụ thể, một người dân ở xã Long Khánh, Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, nhà anh mua 1 đầu thu SDTV về sử dụng từ tháng 12/2015 đến trước khi trạm Long An phát sóng thì xem bình thường, sóng luôn ổn định ở mức 80%. Từ sau khi trạm Long An lên sóng thì hoàn toàn không xem được gì hết, sóng cứ nhảy liên tục, hình ảnh giật. Trong khi đó nhà anh dùng anten thì cao 10m và xoay hết các hướng vẫn không thể xem được.
 
Anh Trần Minh Hải, ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An cũng phản ánh tình trạng đột ngột bị mất tín hiệu truyền hình, trong khi trước đây thu xem tốt, cho  dù nhà anh ở gần trạm phát sóng mới của SDTV tại Long An.
 
img
Đội kỹ thuật của SDTV đến kiểm tra tình trạng mất sóng ở nhà anh Trần Minh Hải, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An mới đây. Ảnh: Trần Minh Hải cung cấp
 
Sau khi nhận được phản ánh này, ICTnews chuyển ý kiến của người dân tới Giám đốc SDTV là ông Nguyễn Đức Hòa. Ngay sau đó, công ty SDTV đã cử đội kỹ thuật SDTV trực tiếp những địa chỉ được phản ánh để kiểm tra thực tế, phân tích nguyên nhân. Mới đây, SDTV đã chính thức phản hồi tới ICTnews lý do người dân khó thu sóng truyền hình số từ sau khi trạm Long An phát sóng.
 
Theo đó, bà Phạm Hoàng Anh, Trưởng phòng Truyền thông của SDTV cho biết, kết quả đo kiểm của đội kỹ thuật cho thấy khi lên sóng trạm phát mới thì một số nơi sẽ xảy ra tình trạng khó thu được sóng K33 hơn so với ban đầu nếu giữ nguyên hướng anten. 
 
Cụ thể tại Long An, có một số điểm lúc trước thu K33 trực tiếp từ trạm HTV thì sóng tương đối yếu nhưng đầu thu vẫn giải mã được. Khi có sóng từ trạm Long An thì do anten lúc này đang quay ngược hướng với trạm Long An nên anten thu sóng của trạm Long An cũng sẽ bị ảnh hưởng chất lượng do tín hiệu yếu. Lúc đó đầu thu nhận được 2 luồng sóng yếu và có cường độ gần bằng nhau nên đầu thu sẽ khó xử lý và khó giải mã được tín hiệu hơn so với chất lượng ban đầu.
 
Đại diện SDTV cho biết thêm, các mạng đơn tần (SFN) khác tại Việt Nam và trên thế giới vẫn phát sinh các điểm “mù” trong vùng phủ sóng khi thiết lập nhiều trạm phát sóng mới. Để khắc phục tình trạng này, người dùng cần điều chỉnh lại anten để tìm được hướng thu tốt nhất. Trường hợp khó thu này chỉ xảy ra tại một vài điểm trong vùng phủ sóng chứ không phải tất cả mọi điểm. Do vậy cần phải điều chỉnh hướng anten nhằm tìm ra hướng thu tốt nhất, để xem rõ tín hiệu trong giai đoạn hoàn thiện các trạm phát sóng mới.
 
Bà Phạm Hoàng Anh khẳng định: “Nếu tình trạng khó thu này do can nhiễu mạng đơn tần K33 thì vùng can nhiễu sẽ xảy ra trên diện rộng và cho dù có xoay anten đi hướng nào cũng sẽ không thu được sóng K33. Tuy nhiên trường hợp phản ánh của người dân ở Long An, nếu quay anten về hướng trạm HTV thì không thu được tín hiệu nhưng khi quay anten về hướng trạm Long An thì thu sóng bình thường”.
 
Anh Trần Minh Hải cho ICTnews biết, bộ phận kỹ thuật của SDTV đã xuống đo kiểm và hướng dẫn anh xoay anten để khắc phục xong tình trạng này. Hiện tại nhà anh đã thu sóng truyền hình số ổn định.
 
Hiện nay, SDTV đang phát sóng 32 kênh chương trình trên K33 và K34, sóng SDTV đã phủ toàn bộ khu vực Cần Thơ, TP.HCM và một số tỉnh lân cận thuộc vùng đồng bằng Nam Bộ.
Nguồn: Theo ictnews.vn