Thạc sĩ công nghệ 10 năm làm việc không phải vì tiền

Theo anh Nguyễn Vũ Hưng, nhiều sinh viên học IT chỉ vì đây là ngành hot, mà không biết con đường mình đi sẽ dẫn tới đâu, có những ngã rẽ nào.

Trở thành mentor (chuyên gia, nhà quản lý của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin) với Nguyễn Vũ Hưng là một cái duyên mà mỗi khi nhớ lại, anh luôn trân trọng sự tình cờ đó và xem việc dẫn lối cho thế hệ sau chính là sứ mệnh của mình.
 
Tốt nghiệp Thạc sĩ công nghệ thông tin tại Nhật Bản, Nguyễn Vũ Hưng về nước năm 2006 mang theo nhiều trăn trở, hoài bão. Hơn 10 năm qua, anh làm việc ở các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ Kỹ sư cầu nối đến ScrumMaster (người chịu trách nhiệm cho quy trình Scrum - phương thức phát triển phần mềm để nhóm làm việc một cách hiệu quả), Project Manager (Quản trị dự án), CXO (Chief Experience Officer)…
 
Anh đã có mặt ở hầu khắp các diễn đàn công nghệ thông tin trong nước và quốc tế. Hàng trăm bài viết, slide của anh về lĩnh vực này được chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân vẫn luôn là kho tư liệu online quý giá, bổ ích để học trò, những người em, người bạn vào tham khảo, học hỏi và luận đàm.
 
20160414-m4.jpg
 
Anh Nguyễn Vũ Hưng có trên 5 năm kinh nghiệm với vai trò mentor. Trong công việc, anh Hưng được biết đến như một “người hùng” khi cứu những dự án IT chậm cả năm trời. Ảnh: NVCC.
 
Chia sẻ về sự nghiệp của mình, Nguyễn Vũ Hưng cho biết, có ba người đã tạo cảm hứng và ảnh hưởng mạnh tới anh, thậm chí tới cả bây giờ. Họ đều là mentor. Gần 40 tuổi, anh Hưng thú nhận cảm thấy rất nuối tiếc khi bản thân đã không có một mentor sớm hơn, từ tuổi 15, 18 hay 20. “Nếu có, tôi nghĩ mình đã có thể tiến nhanh hơn 10, 15 năm so với hiện tại”, anh nói. Khi đã ở lứa tuổi "chín" về nghề, anh tự hứa sẽ xoa dịu những thiếu hụt của thế hệ sau bằng mọi cách.
 
Duyên mentor bén với anh từ năm 2010 khi anh có ý tưởng về một dự án và kêu gọi sinh viên toàn quốc tham gia. Năm đó, anh trở thành mentor của sinh viên Đại học FPT. “Toàn elite cả!”, anh hào hứng nhớ lại.
 
Từ năm 2011, anh chính thức là người anh dẫn lối cho các nhóm sinh viên ưu tú của FPT trong các cuộc thi về mã nguồn mở. Càng thấm nhuần nghề mentor, cảm quan về trách nhiệm của Nguyễn Vũ Hưng càng lớn. Sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi những cá nhân xuất sắc, anh tâm niệm, sứ mệnh của mình phải lớn hơn - đối tượng phải đại chúng hơn.
 
"Tôi nghĩ mình cần hành động ngay từ lúc khởi đầu, phải định hướng cho thế hệ sau từ khi các bạn mới chập chững vào nghề, thậm chí là từ thời điểm quyết định ngành nghề theo học", anh chia sẻ.  Bởi rất nhiều sinh viên không biết chọn đường đi cho mình. Hầu hết khi theo học IT, các bạn chỉ thấy nó "hot" thì đi học. Ít người biết con đường IT sẽ dẫn tới đâu, có những ngã rẽ nào.
 
Anh hiểu, nhân sự, tổ chức và đào tạo là nền của một công ty, đặc biệt đúng với trường hợp công ty công nghệ thông tin. Anh mong muốn sẽ giúp mọi người có cái nhìn khách quan, toàn cảnh, rộng và dài hơn về nghề IT. “Điều đó sẽ giúp sinh viên tự định hướng lại mình tốt hơn”. Đó cũng chính là động lực khiến anh trở thành một trong các mentor tận tâm nhất của Đại học trực tuyến FUNiX.
 
18 năm kinh nghiệm sống và làm việc cùng người Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Vũ Hưng, từ lối tư duy đến cách phản biện hay theo đuổi một vấn đề. Chặt chẽ trong suy nghĩ, tuân thủ quy trình và khắt khe với bản thân là điều người đối diện cảm nhận ở anh.
 
Nguyễn Vũ Hưng quan điểm, quá trình và kết quả học đều quan trọng. Khi học và làm, anh luôn tìm cho mình những nguyên tắc, triết lý chuẩn mực và lấy đó làm thước đo. Anh thích các nguyên tắc như tự lập, tự quản, tự giác trong Scrum framework, thích PDCA cycle - triết lý học dựa trên kaizen, phương pháp Shuhari mà ở đó việc học tiến hành theo thứ tự hợp lý để đạt hiệu quả hay cách học từ những điểm tốt/xấu của chính (team) mình như KPT…
 
Khi làm mentor, anh cũng mong muốn thấy được điều đó ở các sinh viên của mình. Anh kỳ vọng những giá trị mà bản thân thẩm thấu, những phương pháp học tập mà anh đánh giá cao sẽ có trong ý thức của sinh viên và được các bạn áp dụng mỗi ngày.
 
Nghiêm khắc, sắc sảo và hướng dẫn trên tinh thần gợi mở, trong mắt các thế hệ sinh viên - những người em, người học trò, Nguyễn Vũ Hưng là người có kinh nghiệm, kiến thức thực tế và kỹ năng; luôn tràn đầy nhiệt huyết và hừng hực một ngọn lửa đam mê.
 
Võ Đặng Phát, cựu sinh viên Đại học FPT - Giám đốc trung tâm sản xuất phần mềm số 11, đơn vị chiến lược số 11 FPT Software tại FPT Software, cho biết: “Mentor Hưng là người anh, người thầy, hỗ trợ rất nhiều cho mình từ lúc sinh viên đến sau khi đi làm ... Mình vẫn hay đọc các nội dung anh viết trên blog cá nhân để học hỏi thêm”.
 
Trong những ngày cuối tháng 3, khi đang chuẩn bị tài liệu để chia sẻ cho sinh viên FUNiX tại một buổi gặp gỡ định kỳ giữa mentor và sinh viên, anh Nguyễn Vũ Hưng thẳng thắn, sứ mệnh là một chuyện, quan trọng hơn hết là làm vì cảm thấy hứng thú.
 
“Thực sự khủng khoảng nếu một người chỉ làm vì tiền mà không thấy "sướng", không thực sự đam mê”, anh nói. Anh thích giao lưu với các bạn trẻ, mong muốn được cổ súy nguồn mở, cảm thấy thú vị khi kích thích tinh thần sáng tạo của học trò và hơn nữa là khả năng mentoring/coaching của chính bản thân mình. “Học cùng chuyên gia sẽ giúp học viên và cả chuyên gia cùng tiến”, anh khẳng định.
 
Nhìn nhận về mentor, Nguyễn Vũ Hưng quan niệm, đây không chỉ là người thầy, người hướng dẫn mà còn đóng vai trò truyền cảm hứng học tập, đỡ đầu, kề vai cho thế hệ sau. Trọng trách người dẫn đường là vô cùng gian truân, Nguyễn Vũ Hưng hiểu điều đó. Nhưng anh biết, trên hành trình này mình không đơn độc. “Xã hội có những người tâm huyết với nghề”, anh Hưng khẳng định với niềm tin tưởng sâu sắc vào con đường mà mình đang đi, vào sứ mệnh thú vị mà anh và các đồng đội đang cùng nhau gánh vác.
 
 
Nguồn: Thu Ngân (VnExpress)