Luật Báo chí sửa đổi phù hợp với thực tiễn của báo chí hiện nay

Luật Báo chí sửa đổi đã chính thức được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 với nhiều nội dung mới. Phóng viên ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về văn bản quan trọng này.

 *Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Đến thời điểm này, Luật Báo chí sửa đổi phù hợp với thực tiễn của báo chí hiện nay
 
20160406-m4.jpg
 
Ảnh: Duy Linh.
 
Nếu nhìn vào Luật Báo chí lần này, sẽ thấy rất nhiều điều mở. Mặc dù đến bây giờ, về nguyên tắc, chúng ta vẫn không công nhận có báo chí tư nhân, nhưng rõ ràng, nhiều tổ chức mang tính tư nhân vẫn được phép xuất bản báo chí, nếu nằm trong những đối tượng được ra báo. Thí dụ, các trường đại học, các viện, cơ quan, cơ sở nghiên cứu… Tôi nghĩ rằng, đây là một bước chuyển rất quan trọng. Hơn nữa, lần này, Luật Báo chí không đề cập trực diện những điều cấm rõ ràng. Vì những điều cấm nằm trong khung của các bộ luật khác. Cho nên, chỉ những gì liên quan đến quyền tự do dân chủ, ngôn luận và làm báo thì vẫn phải đề cập đến.
 
Tôi nghĩ rằng, việc vận dụng Luật là quan trọng, vì thực ra những điều cấm ấy, các luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp… đều đề cập rồi. Ở đây có làm nhẹ đi. Nhưng điều quan trọng là, cơ quan quản lý biết vận dụng như thế nào, để tạo điều kiện cho những mặt tích cực trong đời sống báo chí được phát huy và hạn chế những mặt tiêu cực.
 
Đương nhiên, từ luật đến đời sống còn có một khoảng cách. Đến thời điểm này, Luật Báo chí sửa đổi phù hợp với thực tiễn của báo chí hiện nay.
 
Tôi tin rằng, rồi đây, chúng ta sẽ có một khung luật pháp để giám sát và quản lý thông tin trên mạng. Điều đó có nghĩa là tạo hành lang để thúc đẩy quyền của người dân một cách tôn trọng tự do và quyền của người khác. Lĩnh vực này chắc cũng không phải của riêng Việt Nam. Trên thế giới, đây cũng là một lĩnh vực đang cần phải có thời gian để có cơ sở làm luật nhằm quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vào thời điểm này, chúng ta chấp nhận hiện trạng này là một sự thận trọng cần thiết.
 
*Đại biểu Bùi Thị An (đoàn TP Hà Nội): Thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp
 
20160406-m5.jpg
 
Ảnh: Ngân Anh.
 
Luật Báo chí sửa đổi được thông qua thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp. Các quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp bảo đảm và quy định rõ, thể hiện trong Luật lần này.
 
Về lâu dài, có lẽ phải xem lại cách quản lý tổ chức báo chí như thế nào, vì nhu cầu về làm báo nhiều, nhưng ở Việt Nam, đúng là chưa thể cho tự do tất cả. Có lẽ, phải phấn đấu quản lý tốt và mở rộng diện cho các đối tượng khác nhau phát hành báo chí.
 
Còn một vấn đề nữa, tôi nghĩ rằng, trang thông tin điện tử đưa vào Luật mà quản lý được thì rất tốt, nhưng đưa vào mà không quản lý được thì không nên đưa vào. Có lẽ, phải điều chỉnh bằng nghị định hay một luật khác, chứ bây giờ đưa vào Luật Báo chí ngay, và hy vọng quản lý được các trang mạng thì không được. Chỉ có một cách, chúng ta công khai những thông tin có thể công khai được. Điều này sẽ át những thông tin xấu đi. Đó cũng thể hiện quyền tự do của người dân.
 
Bây giờ, ảnh hưởng của môi trường mạng rất lớn. Công nghệ thông tin có hai mặt. Một mặt, mang lại lợi ích cho người dân, với thông tin rất nhanh. Nhưng mặt khác, cũng mang lại thông tin xấu. Thế thì, trách nhiệm của Nhà nước là cung cấp thông tin thật, thông tin công khai cho người dân biết. Thứ hai, nếu như quá xấu, cần có trách nhiệm hạn chế bớt bằng nhiều hình thức thông tin khác, tức là lấy cái đúng phủ định cái sai. Người dân sẽ tự lựa chọn.
 
Thứ nữa, dần dần hướng đến những người cung cấp thông tin sẽ phải có trách nhiệm với việc cung cấp thông tin của mình, để bảo đảm sự đúng đắn, bởi đó là thương hiệu của mình.
Nguồn: Theo Nhân Dân