Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện diễn ra vào sáng nay (18/3/2016) tại Hà Nội. Bộ trưởng khẳng định, việc tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông là để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

img

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết.

Tính đến nay, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động internet băng rộng, đặc biệt số lượng thuê bao di động băng rộng 3G tăng nhanh. Số liệu thống kê tính đến tháng 12/2015 cho thấy, đã có 7,7 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định; 35,8 triệu thuê bao 3G (đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân). Thông tin di động băng hẹp đã phủ sóng cả nước, vùng phủ sóng thông tin di động băng rộng ngày càng được mở rộng nhờ việc sử dụng công nghệ mới trên băng tần 900MHz và tăng số lượng các trạm phát sóng vô tuyến điện nên đã cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ di động băng rộng.

Năm 2015, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, góp vào ngân sách nhà nước 46.880 tỷ đồng. So với năm 2009 khi hai luật được ban hành, tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông tăng hơn 116.000 tỷ đồng. Cùng với việc tăng cường, củng cố thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông đã có đủ lực để thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Có thể nói, trong giai đoạn 5 năm 2010-2015 sau khi Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện được ban hành và đi vào cuộc sống, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của Bộ TT&TT và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần tích cực vào thành công chung của Chính phủ trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó có thể khẳng định rằng việc thực thi Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện trong thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp cho các hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nói riêng và thông tin truyền thông nói chung phát triển vượt bậc.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện đã đáp ứng được kịp thời nhu cầu của xã hội, của người dân; bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường thông tin di động thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, bảo đảm minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục quản lý, cấp phép tài nguyên tần số vô tuyến điện và thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến. Bên cạnh đó, các Luật cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thúc đẩy việc sử dụng Internet trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và nghiên cứu khoa học; hiện đại hóa mạng viễn thông dùng riêng phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông…

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong 5 năm thi hành Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện, Bộ trưởng Bộ TT&TT  Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung vào 07 nội dung trọng tâm để hoàn thiện hệ thống pháp lý tạo công cụ hữu hiệu để quản lý ngành tốt hơn, cũng như thúc đẩy sự đóng góp và phát triển chung của xã hội và các thành phần kinh tế:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan, với xu thế phát triển và trung lập về công nghệ, sự hội tụ của mạng và dịch vụ; tăng cường chính sách quản lý cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh theo thông lệ quốc tế; tiếp tục khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, tạo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.

Thứ hai, tăng cường các biện pháp quản lý dựa trên cơ chế thị trường theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và minh bạch hóa các quy trình, thủ tục; chú trọng công tác hậu kiểm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua các cam kết ràng buộc mang tính kinh tế, kỹ thuật khả thi; xây dựng chính sách nhằm chống độc quyền, tập trung, tích tụ tài nguyên trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông có nguy cơ phá sản, chuẩn bị giải thể, sáp nhập.

Thứ ba, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ, đặc biệt là trong việc sử dụng không gian công cộng, hạ tầng liên ngành bảo đảm doanh nghiệp có đủ điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhanh chóng theo nhu cầu phát triển và đúng quy hoạch của địa phương; thúc đẩy việc chia sẻ cơ sở hạ tầng, sử dụng tối đa hạ tầng viễn thông đã đầu tư của các doanh nghiệp; giải quyết tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư cao tầng, …

Thứ tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, sớm triển khai đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2,6 GHz đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tinh thần của luật, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thực thi Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện theo các tiêu chí "nhanh, ổn định, công bằng, linh hoạt" nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, bền vững thị trường viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện, tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác điều hành, quản lý phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thứ sáu, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, duy trì cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý tốt việc sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị khí tài chuyên dụng và sử dụng thiết bị vô tuyến điện bảo đảm an toàn cho xã hội, người dân, cho các hệ thống thông tin chuyên dụng.

Thứ bảy, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng thông qua việc minh bạch hóa về giá cước, chất lượng và hạch toán riêng từng dịch vụ, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, thông tin riêng của người sử dụng; ngăn chặn, hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác và các hành vi làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tạo điều kiện cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc đều được tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích để phục vụ học tập, sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị này, đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, các Sở TT&TT, đại diện các Sở TT&TT TP. Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT đã tham luận về các kết quả trong việc thực hiện Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện./.