Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Vừa qua, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội tổ chức Tọa đàm “Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống”.

img

 Quang cảnh buổi tọa đàm.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo QĐND; Đại tá Phạm Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội chủ trì buổi tọa đàm.
 
Hơn 20 tham luận tại buổi Tọa đàm đã tập trung làm rõ 3 vấn đề trọng tâm: Khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Trách nhiệm chính trị của cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhận diện, đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
 
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho biết, Tọa đàm cũng cung cấp thêm nhiều thông tin để các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
 
Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến góp ý cụ thể nhằm đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống.
 
Vai trò của “lãnh đạo hành động” trong thực hiện nghị quyết
 
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, nếu như Văn kiện Đại hội XI viết theo lĩnh vực, thì Văn kiện Đại hội XII viết theo vấn đề. Trong đó, phân tích rõ thực trạng vấn đề, ưu điểm, khuyết điểm sau đó tình hình của từng vấn đề một và nhiệm vụ của từng vấn đề một để cho sát với tình hình thực tiễn. Văn kiện lần này làm rõ 17 vấn đề, dài hơn so với Văn kiện Đại hội XI.
 
Quá trình góp ý văn kiện đã thực hiện công khai, bài bản, được các cơ quan tổng hợp ý kiến và trình Đại hội tiếp tục thảo luận. Quá trình tổng hợp ý kiến cho thấy, nhân dân góp ý rất đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Ý kiến chính thức góp ý vào Văn kiện chỉ có 1 ý kiến chống đối. Như vậy đa số ý kiến đồng tình và cho thấy lần này chúng ta đã đưa được cuộc sống vào nghị quyết. Dư luận thấy rằng nghị quyết đã thực chất hơn, là bước đổi mới mạnh mẽ hơn.
 
Văn kiện được đồng tình như vậy đó là điều kiện thuận lợi, vấn đề chúng ta đưa nghị quyết vào cuộc sống như thế nào? Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, đối tượng tuyên truyền nào có hình thức ấy. Chúng ta phải đổi mới cách làm theo hướng trên làm trước, dưới làm sau: Đảng làm trước, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ làm trước rồi mới triển khai tới cấp dưới. “Lâu nay chúng ta kết hợp trên dưới, dưới trên. Nhưng lần này, tôi nghĩ bắt đầu làm từ trên xuống như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và quan trọng là người đứng đầu phải hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, 100 bài diễn thuyết không bằng 1 hành động cụ thể” - PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
 
Hiểu rõ ý nghĩa kinh tế nhà nước trong Văn kiện Đại hội XII
 
Phân tích rõ hơn về kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XII, TS.Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: kinh tế nhà nước gồm nguồn lực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước, cũng như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
 
Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Còn các nguồn lực nhà nước (tài nguyên, đất đai, ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia,…), cùng với các công cụ, cơ chế, chính sách được Nhà nước sử dụng để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tiễn ở nước ta, khi các nguồn lực của Nhà nước cùng với các cơ chế, chính sách tập trung vào lĩnh vực, địa bàn nào thì dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển ở lĩnh vực, địa bàn đó.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước, hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, và được cơ cấu lại như đã nêu ở trên.
 
Để kinh tế nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, theo TS Hoàng Xuân Hòa cần giải quyết tốt các vấn đề sau đây: Phải nhận diện đúng thành phần Kinh tế nhà nước, từ đó kiên trì quan điểm “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước và cơ chế giám sát hoạt động các Doanh nghiệp nhà nước. Cần tách bạch chức năng chủ sở hữu Doanh nghiệp nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Cải cách quản trị Doanh nghiệp nhà nước, hướng vào hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, đảm bảo kinh doanh lành mạnh theo cơ chế thị trường. Nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
 
Theo TS Hoàng Xuân Hòa, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nội dung giải pháp trên, sức mạnh của Kinh tế nhà nước sẽ được phát huy, đảm bảo giữ vững vai trò chủ đạo trong định hướng XHCN nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
 
Xác định vấn đề cụ thể đưa nghị quyết vào cuộc sống
 
Theo Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Uỷ viên Trung ương Đảng – Tư lệnh Quân khu 3, tư duy mới về quốc phòng, an ninh được Đại hội XII xác định là xác định mục tiêu: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.
 
Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 3 xác định cùng với nhiệm vụ thường xuyên, sẽ tạo bước đột phá trong chấn chỉnh tổ chức biên chế theo quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa các lực lượng. Coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị cho các đối tượng; chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập chỉ huy – cơ quan các cấp và diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy.
 
Cùng với đó, tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho các đối tượng. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020”. Tăng cường thế trận và sức mạnh của khu vực phòng thủ; chủ động nắm chắc tình hình, xử lý thắng lợi mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, vùng trời, vùng biển; tham gia ứng phó kịp thời, có hiệu quả trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII./.