Số lượng đầu thu hỗ trợ cho người nghèo có thể tăng đến 30%

Số lượng hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ đầu thu số DVB-T2 sẽ tăng lên đáng kể, bởi từ năm 2016 sẽ áp dụng tiêu chí mới nên hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước sẽ tăng lên từ 10-30% so với năm 2014.

img

Đầu thu số DVB-T2 lắp đặt cho các hộ nghèo ở Đà Nẵng hồi tháng 10/2015 

Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, có hiệu lực từ 5/1/2016.
 
Tiêu chí về thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo theo quy định mới này cao hơn so với tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo quy định là 700.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Về chuẩn cận nghèo quy định 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.
 
Khi áp dụng tiêu chí mới số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước sẽ tăng lên đáng kể, từ 10-30% so với năm 2014. Điều này đã ảnh hưởng khá lớn tới việc hỗ trợ đầu thu số DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo khi thực hiện số hóa truyền hình từ năm 2016 trở đi.
 
Mới đây, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam đã trình Bộ TT&TT phê duyệt Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương tại 4 TP Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ và 19 tỉnh, thành.
 
Theo dự kiến, dự án sẽ thực hiện mua sắm, lắp đặt 461.000 đầu thu truyền hình số DVB-T2 với tổng số tiền đầu tư là 380 tỷ đồng. Con số này tăng cao hơn con số đã xác định trước đây vài tháng do một số tỉnh đã chuyển sang thống kê số lượng hộ nghèo theo chuẩn mới.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình, theo Đề án đã được phê duyệt, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích sẽ chi khoảng 1.710 tỷ đồng để mua đầu thu số DVB-T2 hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khi thực hiện số hóa truyền hình. Khi số hộ nghèo, cận nghèo tăng lên theo chuẩn mới số tiền này có thể sẽ không đủ chi để hỗ trợ đầu thu.
 
“Cần phải tính toán việc bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ đầu thu cho các giai đoạn tiếp theo”, ông Tuấn đề nghị.
 
Theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, tại Hải Phòng có 6.7000 hộ nghèo, cận nghèo chưa có tivi, những hộ này sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ đầu thu truyền hình số của Nhà nước. Do đó, Hải Phòng đã vận động các doanh nghiệp tài trợ tivi cho các hộ này. Hà Nội và một số địa phương khác cũng có kế hoạch sẽ vận động nguồn lực xã hội tài trợ tivi cho những gia đình chưa có tivi.
 
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, qua làm việc sơ bộ với một số tỉnh thì việc thay đổi số lượng hộ nghèo, cận nghèo cũng sẽ vẫn nằm trong quy mô của Dự án hỗ trợ đầu thu, cho nên trước mắt chưa lo thiếu hụt kinh phí.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, các địa phương mua tivi cấp cho các gia đình chưa có tivi cần lưu ý phải trang bị bằng tivi số. Bởi Dự án của nhà nước là hỗ trợ chuyển đổi từ analog sang xem truyền hình số, do đó, những đối tượng mới được trang bị tivi sau này không nằm trong diện được hỗ trợ đầu thu. 

Nguồn: ictnews.vn