Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và quản lý ngành

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở TT&TT Phú Yên đặt ra trong năm 2016, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

img

Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Phú Yên Lê Tỷ Khánh trao giấy khen cho các Phòng Văn hóa - Thông tin hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2015 - Ảnh: T.LINH

Nhiều kết quả khả quan

Năm 2015, ngành TT&TT của tỉnh Phú Yên đã đạt được những kết quả khích lệ trên các lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và an toàn an ninh thông tin.

Hạ tầng viễn thông phát triển mạnh mẽ, cước sử dụng dịch vụ ngày càng giảm, chất lượng được nâng lên, thị trường viễn thông phát triển ổn định, mật độ sử dụng điện thoại đạt 96 thuê bao/100 dân, sử dụng internet đạt 49 người/100 dân; số xã đạt tiêu chí số 8 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 86/88 xã (đạt 97%, trong đó 20 xã điểm đạt 100%).

Thông tin báo chí được kiểm soát chặt chẽ, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực ổn định chính trị tư tưởng, cổ vũ gương người tốt việc tốt, định hướng dư luận xã hội, giới thiệu hình ảnh đất và người Phú Yên đến với bạn đọc trong nước và quốc tế.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh, dần hình thành khung chính quyền điện tử, từng bước tiến tới chính phủ điện tử; ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính được áp dụng tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Hệ thống xử lý văn bản điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, trao đổi thông tin qua mạng (phần mềm iDesk) đã cấp 1.385 tài khoản đang được sử dụng tại các sở, ban, ngành; 2.475 tài khoản sử dụng thư điện tử công vụ (mail.phuyen.gov.vn); 1.596 tài khoản sử dụng thư điện tử công vụ nguồn mở đa cấp (iMail); triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 về cấp phép báo chí xuất bản; phần mềm chuẩn hóa văn bản phường, xã (cập nhật 1.638 loại văn bản) giúp tra cứu và khai thác thông tin phục vụ cho công việc hành chính hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin trên địa bàn tỉnh được tăng cường và đảm bảo…

Ông Lê Văn Thứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Sở đã giúp giảm số lượng thủ tục hành chính trễ hẹn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư tại tỉnh. Đồng thời đảm bảo điều kiện cho sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở và các cơ quan, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành TT&TT cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Phú Yên Lê Tỷ Khánh nói: “Việc triển khai ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều bất cập, các ứng dụng dùng chung chưa thống nhất; chưa có quy định về hiện đại hóa nền hành chính; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) còn thấp, xếp ở vị trí 38/63 tỉnh, thành trong cả nước. Mạng viễn thông phát triển chưa đồng đều, còn thiếu và yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tình trạng sim rác, hoạt động internet phức tạp, vi phạm quy định Nhà nước, gây khó khăn trong công tác quản lý…”.

Khắc phục hạn chế, vướng mắc

Một trong những biểu hiện rõ nhất về sự hạn chế, vướng mắc là việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính Nhà nước chưa đến được đối tượng cần phục vụ là người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước không kết nối được vì hệ thống CNTT chưa đồng bộ, mạng internet quá chậm. Trong khi người dân vẫn chưa an tâm vì quan niệm “trực tiếp còn chưa ăn huống gì trực tuyến”… Đây cũng là khó khăn, hạn chế chung của nhiều tỉnh mà hội nghị Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan Nhà nước khu vực miền Trung - Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và 4 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) thẳng thắn nhìn nhận, tiếp tục bàn biện pháp khắc phục, tháo gỡ. Theo các chuyên gia của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), để xây dựng một nền hành chính điện tử, hai vấn đề cần được tiến hành song song và đồng bộ là: Xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và công dân điện tử. Người dân, doanh nghiệp, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng tốt internet thì khi đó họ mới có khả năng ứng dụng các giao dịch điện tử khi có nhu cầu.

Vấn đề quản lý, kiểm soát hoạt động các đại lý internet, trò chơi điện tử; quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện cũng là những nội dung được Sở TT&TT quan tâm. Theo ông Lê Tỷ Khánh, để tăng cường công tác quản lý trên các lĩnh vực này, Sở tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 02 ngày 6/1/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng điện thoại không dây; Chỉ thị 36, 49 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý hạ tầng cáp viễn thông, truyền hình trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa, việc đầu tư hạ tầng về CNTT không đồng bộ như hiện nay dẫn đến nơi có kinh phí thì đầu tư nhiều, nơi thì ít, thậm chí có nơi hầu như không có, dẫn đến hiệu quả ứng dụng CNTT vào công việc ở các đơn vị, địa phương chưa cao. Chính vì vậy, tỉnh cần có những giải pháp đầu tư đồng bộ trong thời gian tới./.