Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 13: Trung ương thảo luận 2 dự thảo báo cáo

Ngày 15/12, Trung ương làm việc tại Hội trường, thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII và dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.

img
Buổi sáng, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, điều hành phiên họp. Trung ương thảo luận về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Theo báo cáo tại Hội nghị lần này, tính đến ngày 06/11/2015, đã có 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ (và của đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện) góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII.

Từ ngày 15/9/2015 đến ngày 31/10/2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình góp ý kiến và gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội. Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, phân loại các ý kiến đóng góp và xây dựng các báo cáo tổng hợp, tổng cộng 1.547 trang.

Trên cơ sở tập hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến đóng góp, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và thế giới năm 2015, dự báo tình hình thời gian tới, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Hội nghị Trung ương lần này.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào Báo cáo giải trình, tiếp thu và toàn văn các dự thảo với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn Dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau. Đồng thời cũng cần bày tỏ chính kiến đối với những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó, xem xét thông qua toàn văn Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng.

Buổi chiều, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành phiên họp. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị đọc dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI; Tờ trình về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng. Sau đó, Trung ương về tổ thảo luận nội dung trên.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết của các đảng bộ trực thuộc, Bộ phận Thường trực Trung ương 4 đã chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết; tổ chức 4 hội nghị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến góp ý của đại diện 42 tỉnh ủy, thành ủy và 31 cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. Bộ Chính trị đã họp, thảo luận, tiếp thu, chỉ đạo hoàn chỉnh để trình Ban Chấp hành Trung ương. Nội dung tổng kết của Báo cáo đã bám sát nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung đã nêu trong Báo cáo, tập trung vào 3 nội dung và 4 nhóm giải pháp; đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết, chỉ rõ những việc làm được, những việc chưa làm được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra. Đồng thời góp ý thêm về phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII, Quốc hội, Chính phủ những vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết./.