Phỏng vấn ông Nguyễn Kiên Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị của IDC Group, thành viên ban vận động thành lập Hiệp hội máy tính thương hiệu Việt Nam.
Xin ông cho biết cơ sở để ra đời Hiệp hội máy tính thương hiệu Việt Nam?
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, coi đó như một định hướng chiến lược quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt Chính phủ đã thành lập hẳn Ban Chỉ đạo 58 do Phó Thủ tướng trực tiếp điều hành.
Việc thành lập Hiệp hội này sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và khách hàng?
Theo tôi, việc thành lập Hiệp hội máy tính thương hiệu Việt Nam đã đáp ứng được định hướng của Đảng và Chính phủ, đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam và đảm bảo được lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tạo ra sự trong sạch trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và sẵn sàng hội nhập AFTA.
Mục tiêu và hành động cụ thể khi Hiệp hội hoạt động?
Đó là xây dựng ngành máy tính thương hiệu Việt Nam chất lượng cao; xây dựng và quảng bá hình ảnh, uy tín sản phẩm máy tính thưong hiệu Việt Nam; là đầu mối quan hệ với các dự án của Chính phủ, các bộ, ban ngành và các tỉnh; là đầu mối hỗ trợ các hội viên trong quan hệ với các đối tác quốc tế; xây dựng trung tâm đảm bảo chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các qui trình chất lượng ISO; đào tạo kỹ thuật cho các kỹ sư của các doanh nghiệp hội viên; phát triển hội viên.
Theo ông, khả năng cạnh tranh của máy tính thương hiệu Việt Nam hiện nay ra sao?
Thứ nhất, việc cạnh tranh giữa máy tính thương hiệu Việt Nam với máy tính nước ngoài, về giá cả và chất lượng sản phẩm và dịch vụ chúng tôi không sợ. Vì giá cả của máy tính thương hiệu Việt Nam rẻ hơn 20 – 35% so với máy ngoại. Tuy nhiên, chúng tôi e ngại thói quen dùng đồ ngoại của người Việt Nam giống như xe máy. Tất nhiên bản thân chúng tôi cũng phải cố gắng đảm bảo chất lượng tốt hơn nữa. Ngoài ra, chúng tôi đang học hỏi thêm chính sách maketing phát triển thị trường.
Thứ hai, việc cạnh tranh giữa máy tính thương hiệu Việt Nam (máy được lắp ráp một cách nghiêm túc về kỹ thuật, quản lý theo qui trình quản lý chất lượng ISO...) với các máy tính lắp khác cũng là cả một vấn đề nan giải. Các doanh nghiệp muốn làm nghiêm túc về thuế, có chính sách rõ ràng về sản phẩm và phát triển thị trường.
Theo ông, để phát triển máy tính thương hiệu Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách gì?
Chúng tôi rất vui mừng vì đến nay đã có một bộ quản lý ngành công nghệ thông tin là Bộ Bưu chính, Viễn thông. Về chính sách của Bộ, chúng tôi rất mong Bộ ủng hộ cho giới công nghệ thông tin Việt Nam nói chung và Hiệp hội máy tính thương hiệu Việt Nam nói riêng. Như vậy sẽ tạo tiền đề và động lực cho chúng tôi phát triển, sẵn sàng “chiến đấu” khi hội nhập để chứng tỏ năng lực của con người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!