Cung cấp băng rộng đa dịch vụ cho người dân vùng công ích

Thay vì hỗ trợ điện thoại cố định trong khi di động đã ở mức bình dân khiến người dân ngừng sử dụng dịch vụ, chương trình viễn thông công ích (VTCI) giai đoạn tới sẽ tập trung phát triển băng rộng đa dịch vụ, nội dung băng rộng… để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của hạ tầng đã đầu tư.

img

Ảnh minh họa

Tránh việc hỗ trợ trùng lắp

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng cuối tháng 3/2013, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, chương trình VTCI giai đoạn mới từ nay đến 2020 có những điểm khác biệt rất lớn với giai đoạn vừa qua: dựa trên những nguyên tắc chủ yếu như đảm bảo hài hòa giữa cung (các dịch vụ VTCI) và cầu (nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông thực tế của người dân). "Đây là một điểm mới so với trước đây, do chưa có sự hài hòa nên dẫn đến tình trạng "thừa" khi một gia đình được rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ về điện thoại cố định", đại diện Cục Viễn thông nói.
Chương trình mới sẽ đảm bảo sự tôn trọng quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ của người dân, không lặp lại tình trạng không trung lập về công nghệ nên chủ yếu hỗ trợ điện thoại cố định trong khi dịch vụ di động đã rẻ và phổ cập hơn nên người dân có xu thế chuyển sang sử dụng dịch vụ di động, dừng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định.
Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ VTCI phải phù hợp, đồng bộ với các hạ tầng khác trên địa bàn như hạ tầng giao thông, năng lượng, văn hóa, giáo dục, y tế... để nâng cao hiệu quả của dịch vụ VTCI. Ở một số điểm khó khăn và không thể triển khai đến từng hộ gia đình, chương trình phải bảo đảm quyền truy nhập dịch vụ viễn thông thông qua các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng. "Qua khảo sát của Cục, tại một số địa phương, các dịch vụ viễn thông chưa tới được do không có đường giao thông hay điện lưới. Vì vậy, hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI gặp rất nhiều khó khăn", đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chương trình VTCI giai đoạn mới cũng gắn chặt với kế hoạch phát triển mạng lưới, cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp để kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, trên cơ sở không làm biến dạng sự cạnh tranh của thị trường và đảm bảo không bù chéo dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, nâng cao vai trò của địa phương trong việc quản lý, triển khai chương trình.
Hơn nữa, các dịch vụ VTCI phải dựa trên công nghệ hiện đại thông qua phát triển đồng hộ cơ sở hạ tầng viễn thông, truy nhập băng rộng và đa dịch vụ để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của hạ tầng đã đầu tư, tránh tình trạng tập trung vào điện thoại cố định của giai đoạn trước. Ngoài việc cung cấp đường truyền kết nối đến hộ gia đình, chương trình cũng phải đảm bảo sự kết hợp giữa việc phát triển hạ tầng mạng lưới, thiết bị đầu cuối, ứng dụng và đào tạo kỹ năng sử dụng cho các cá nhân, hộ gia đình....

60% kinh phí chương trình VTCI để phát triển hạ tầng băng rộng

Đại diện Cục Viễn thông khẳng định, mục tiêu Chương trình VTCI từ nay đến năm 2020 là phát triển mạng đa dịch vụ băng rộng, đưa dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa với 4 chương trình gồm: chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, chiếm khoảng 60% kinh phí; chương trình kết nối khẩn cấp (5% kinh phí); chương trình kết nối cộng đồng (25% kinh phí) và chương trình kết nối công sở (10% kinh phí). Kinh phí sẽ bao gồm đầu tư mới cho các xã để xóa "trắng" dịch vụ viễn thông và nâng cấp các xã đã có sẵn hạ tầng.
Theo đó, việc phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng và đa dịch vụ sẽ có mục tiêu cụ thể như mật độ thuê bao, mở rộng sự hiện diện băng rộng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Chương trình gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là xóa "trắng" dịch vụ viễn thông tại 69 huyện nghèo và 41 đảo xa bờ. Giai đoạn tiếp theo giúp mở rộng bán kính mạng truy nhập Internet băng rộng và đa dịch vụ tại các xã vùng sâu, vùng xa trước khi nâng cấp chất lượng, tốc độ truy nhập tại các địa bàn này trong giai đoạn 3. "Trước khi tiến hành phát triển hạ tầng băng rộng đa dịch vụ, cơ quan quản lý sẽ khảo sát hiện trạng mạng truy nhập đa dịch vụ trên toàn quốc thông qua các tiêu chí,  từ nay đến 2015 sẽ khảo sát tại 69 huyện nghèo", đại diện Cục Viễn thông cho biết.
Chương trình  kết nối cộng đồng sẽ phát triển điểm truy nhập dịch vụ công cộng cho 69 huyện nghèo và 41 đảo xa bờ... Bên cạnh đó, chương trình cũng hỗ trợ các hộ nghèo và hộ cận nghèo cước liên lạc, cước sử dụng dịch vụ viễn thông, đầu thu truyền hình kỹ thuật số...
Kết nối công sở tập trung hỗ trợ cơ sở giáo dục, bệnh viện, UBND bằng hạ tầng băng rộng, an ninh mạng, đào tạo và ứng dụng như với ngành y tế sẽ đưa ra ứng dụng giúp hội chẩn từ xa, dục xây dựng giáo án điện tử cho ngành giáo dục... "Chương trình kết nối khẩn cấp hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp như dịch vụ 113, 115, 116 và các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai bao gồm hỗ trợ về hạ tầng các đài thông tin duyên hải (32 đài), thiết bị cho tàu cá...", đại diện Cục Viễn thông kết luận.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đánh giá, điểm quan trọng nhất mà Chính phủ cần hỗ trợ cho VTCI chính là nội dung. Bởi vì, nếu hỗ trợ thiết bị đầu cuối thì chi phí rất lớn, hơn nữa sản phẩm công nghệ sau mỗi năm đều giảm giá và như vậy hỗ trợ giá là vô nghĩa. Nhà nước nên bỏ tiền ra làm những nội dung có lợi cho đất nước như giáo dục (học Tiếng Anh miễn phí; học, tra cứu video lịch sử…). Nội dung trên Internet không có hãng viễn thông, công nghệ nào hỗ trợ, sản xuất cả. Vì vậy, hãy để việc hỗ trợ giá đầu cuối cho các công ty viễn thông và công nghệ, Chính phủ chỉ làm truyền thông để người dân hiểu. “Những gì doanh nghiệp làm tốt thì Chính phủ không nên tham gia - Chính phủ chỉ làm những cái không ai làm, đó chính là nội dung", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.