Đánh giá thực hiện tiêu chí nông thôn mới ngành thông tin và truyền thông

Việc đánh giá tiêu chí số 8 (tiêu chí về bưu điện) đạt chuẩn trong chương trình nông thôn mới thiên nhiều về yếu tố kỹ thuật nên gây không ít khó khăn cho công tác tự đánh giá của các xã. Chính vì vậy, trên cơ sở quy định tại Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới. Ngày 30 tháng 5 năm 2014 Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 300/STTTT-BCVT hướng dẫn thêm về cách đánh giá tiêu chí số 8 và điều kiện xét công nhận xã đạt tiêu chí về Bưu điện.

img

Internet về Bưu điện văn hóa xã.

Trong đó, xã được công nhận đạt tiêu chí số 8 về bưu điện phải đạt tiêu chí về điểm phục vụ bưu chính, viễn thông (tiêu chí 8.1) và tiêu chí về xã có Internet đến thôn (tiêu chí 8.2).
 
Cụ thể là, xã được công nhận đạt tiêu chí 8.1 trong các trường hợp sau:
 
Một là, xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ (Bưu cục, ki ốt, đại lý, điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX)) cung cấp 2 dịch vụ là bưu chính (chuyển phát thư, báo) và viễn thông (Dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ điện thoại di động, Internet).
 
Hai là, nếu xã không có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ thì xã đó phải có 01 thùng thư và 01 trạm thông tin di động (BTS) trở lên hoặc 01 thùng thư và xã có ít nhất 30% số hộ gia đình trong xã có thuê bao riêng sử dụng dịch vụ viễn thông (Dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ điện thoại di động, Internet).
 
Các điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và các dịch vụ bưu chính, viễn thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tại Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
Tiếp theo, xã được công nhận đạt tiêu chí 8.2 khi có ít nhất 30% số thôn thuộc xã đáp ứng một trong các điều kiện sau:
 
Một là, có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập Internet cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo quy định (trạm BTS 3G- đối với dịch vụ Internet 3G; có cáp đồng hoặc cáp quang và thiết bị chuyển đổi Dslam- đối với dịch vụ Internet ADSL).
 
Hai là, có các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng (điểm truy nhập Internet công cộng) đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo quy định.
 
Tuy nhiên, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet ADSL, chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet 3G. Vì vậy, việc xét công nhận xã đạt tiêu chí có Internet đến thôn mới chỉ xét cho dịch vụ truy nhập Internet ADSL.
 
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông, cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh 100% xã có ít nhất là 01 điểm phục vụ bưu chính là thùng thư, 100% các xã có trạm BTS. Vì vậy, về cơ bản các xã đều đạt tiêu chí xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông (tiêu chí 8.1).
 
Đối với hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập Internet ADSL hiện có 47 xã đáp ứng điều kiện. Bao gồm, tất cả các xã thuộc thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Tô; các xã Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Sa Sơn, Sa Bình, Hơ Moong, Ya Xier, Rờ Kơi (huyện Sa Thầy); xã Đắk Pét, Đắk Kroong, Đắk môn (huyện Đắk Glei); xã Đắk Ruồng, Đắk Tờ Re, Tân Lập (huyện Kon Rẫy); xã Đắk Long (huyện Kon Plông); xã Tu Mơ Rông, Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông); xã Đắk Hring, Đắk Ui, Đắk Mar, Hà Mòn, Đắk La, Ngọc Wang (huyện Đắk Hà). Vì vậy, đối với tiêu chí 8.2 có tất cả 47/86 xã đạt tiêu chí này, đồng nghĩa với việc 47 xã nêu trên về cơ bản được đánh giá đạt tiêu chí số 8 về bưu điện.
 
Có thể thấy rằng, để đạt được tiêu chí số 8 về bưu điện phụ thuộc nhiều đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bưu chính, viễn thông của các doanh nghiệp. Trong khi một số xã dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, nhu cầu sử dụng của người dân không nhiều thì hầu hết các doanh nghiệp viễn thông không “mặn mà” với việc đầu tư bởi nó không mang lại hiệu quả kinh doanh, thậm chí phải bù lỗ. Chính vì vậy, các xã này cần có sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt là các chính sách từ Nhà nước như Chương trình Viễn thông công ích, ...để giúp các xã tiếp cận thông tin nhanh, nâng cao dân trí, phục vụ cuộc sống người dân cũng như phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng.