Cải cách thủ tục hành chính cần cả xã hội vào cuộc

Trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như xây dựng cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia, kiểm soát những TTHC mới ban hành thì nhiệm vụ khó khăn nhất là làm sao huy động được cả xã hội chung tay cải cách TTHC.

img
Phiên họp thứ nhất của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC nhiệm kỳ 2 - Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC nhiệm kỳ thứ 2 họp phiên thứ nhất.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam giữ chức Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC. Hội đồng nhiệm kỳ 2 gồm 27 thành viên.

Tại Phiên họp Hội đồng tư vấn lần này, có sự tham gia của đại diện các Hiệp hội, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại một số nước như Mỹ, EU, Canada, Australia, Hàn Quốc...

Những kết quả nổi bật trong công tác cải cách TTHC 9 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC, các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ, văn phòng Bộ, ngành và địa phương được thiết lập để duy trì tính bền vững của Đề án 30 và tổ chức thực hiện việc kiểm soát TTHC trong phạm vi toàn quốc từ khâu dự thảo cho đến việc thực thi trên thực tế….

Trong những tháng đầu năm 2011, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức 9 khóa tập huấn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho gần 600 lượt cán bộ, công chức phòng Kiểm soát TTHC của 24 bộ, ngành và 63 địa phương; cử 5 Đoàn công tác đến làm việc tại UBND thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cải cách TTHC, báo cáo Thủ tướng chính phủ chấn chỉnh và có biện pháp chỉ đạo chung đối với công tác cải cách thủ tục hành chính; tổ chức tham vấn và tham gia ý kiến đối với 57 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC; tổ chức tiếp nhận, xử lý 85 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Về phía các bộ, ngành, địa phương công tác kiểm soát TTHC đã được triển khai đồng bộ và từng bước mang lại chuyển biến tích cực trong cải cách TTHC, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận qua việc TTHC đã được đánh giá tác động, công bố công khai, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Có thể nói, kiểm soát TTHC đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng cường niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp.

Trong những tháng cuối năm 2011, Văn phòng Chính phủ sẽ tiến hành rà soát độc lập đối với các quy định, thủ tục hành chính (bao gồm cả chính sách và thủ tục) đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân theo nhóm các vấn đề, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Cải cách TTHC: tầm nhìn bao quát, thực hiện cụ thể

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã nêu những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cải cách TTHC trong thời gian tới, đồng thời đề xuất  giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, đưa những kết quả rà soát, cải cách thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC: Cải cách TTHC thì tầm nhìn phải bao quát, nhưng hành động phải rất cụ thể - Ảnh Chinhphu.vn

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam- Chủ tịch Hội đồng tin tưởng những hoạt động của Hội đồng, đặc biệt là chất lượng của những ý kiến tư vấn trong thời gian tới sẽ được cải thiện đáng kể, nâng cao chất lượng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách TTHC.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam, Hội đồng tư vấn cần tham mưu để đưa ra những trọng tâm, trọng điểm trong công tác cải cách TTHC để tập trung triển khai thực hiện.

“Cần xác định những “ huyệt iđểm” để có giải pháp giải quyết dứt điểm, tập trung cải cách đến cùng. Cải cách TTHC thì tầm nhìn phải bao quát, nhưng hành động phải rất cụ thể. Cải cách TTHC mà không ra kết quả cụ thể thì người dân sẽ mất niềm tin” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách TTHC như xây dựng cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia, kiểm soát những TTHC mới ban hành thì , Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho rằng: “Nhiệm vụ khó khăn nhất là làm sao huy động được cả xã hội chung tay cải cách TTHC. Làm sao để người dân chủ động đưa ra những sáng kiến, kiến nghị cải cách TTHC, đồng thời giám sát việc thực hiện cải cách ở mọi cấp, ngành? Đây là những yêu cầu nhiệm vụ cần được Hội đồng tư vấn tập trung nghiên cứu để nhanh chóng đưa ra câu trả lời thỏa đáng”.

Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ trong tâm nêu trên, giải pháp được cho là có vai trò hết sức quan trọng là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích, những khó khăn khi triển khai thực hiện, qua đó kêu gọi toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân chung tay cải cách TTHC.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề xuất Cục Kiểm soát TTHC cùng với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nghiên cứu để mở các diễn đàn quy mô lớn, được tổ chức tốt để huy động trí tuệ của các thành viên hội đồng, phát huy nội lực của các tổ chức chính trị – xã hội cũng như của mọi người dân trong việc đề xuất, kiến nghị những giải pháp cũng như giám sát công tác cải cách TTHC.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị sớm tổ chức các cuộc đối thoại công khai, cởi mở giữa những người có quyền quyết định về TTHC (các Bộ, ngành, địa phương) với những đối tượng chịu tác động của TTHC (các doanh nghiệp, người dân...) để cùng thảo luận và giải quyết dứt điểm những TTHC cần sửa đổi.

Về hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, dự kiến trong thời gian tới sẽ sớm thành lập các nhóm công tác để tập trung thảo luận những vấn đề chuyên sâu theo hướng đổi mới, tạo ra hiệu quả thực sự.

Cục Kiểm soát TTHC cũng sẽ phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách TTHC để tổ chức cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”.