Người lãnh đạo vui, buồn cùng những con số

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, có số người và số doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ viễn thông cao nhất cả nước. Thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng không kém, trong đó, phải kể đến công tác quản lý cước và thu cước đầy khó khăn phức tạp. Với trọng trách Phó Giám đốc VNPT Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách khối Tài Chính và Thu cước, chị Trương Thị Thúy Phượng đã có những nỗ lực trong công tác quản lý và điều hành để đưa tỷ lệ thu cước của đơn vị từ 77% lên đến đến 98% đạt chỉ tiêu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sau 4 năm điều hành.

img

Chị Trương Thị Thúy Phượng – PGĐ VNPT Thành phố Hồ Chí Minh (đứng thứ hai bên trái) nhận Bằng khen của Công đoàn Bưu điện Việt Nam đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2011.

Những con số buồn

Trong khi đó, doanh thu cước chiếm 80% tổng doanh thu của VNPT Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế nếu mang về 1% doanh thu cước là mang về doanh thu cho đơn vị trên 40 tỷ đồng. Năm 2008, tình hình thu cước của đơn vị chỉ đạt 77%, trong khi đó chỉ tiêu thu cước của VNPT đề ra cho VNPT Thành phố Hồ Chí Minh là 98%. Một thử thách lớn, một bài toán hóc búa, đòi hỏi một sự nỗ lực lớn đặt ra cho các nhà quản lý, đặc biệt là những người làm công việc quản lý cước của các VNPT tỉnh thành, làm sao để khuyến khích được khách hàng sử dụng, không bị thất thoát cước, mang doanh thu về cho đơn vị luôn là nỗi trăn trở.

Sau những giải pháp đưa ra nào: thu cước tại nhà, phát giấy báo cước, đại lý thu cước ….thì sau 02 năm tỷ lệ thu cước chỉ đạt 85%. Một ẩn số luôn thách thức, chị nhận thấy những giải pháp đang áp dụng chưa phù hợp với địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi đây là thành phố đông dân nhất, có số người và số doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ viễn thông cao nhất cả nước, cùng với đó là sự phức tạp cũng đi đôi, dân số cơ học lớn và muôn mặt đối tượng khách hàng. Vì thế, công tác quản lý cước và thu cước rất khó khăn phức tạp. Chị đã trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm giải pháp từ cán bộ công nhân viên, tìm hiểu nguyên nhân cho công tác này, giải đáp cho những con số biết nói là tăng 13% tỷ lệ thu cước, đạt 98% chỉ tiêu của Tập đoàn và tiến đến thu được 100% cước phát sinh.
 
Nguyên nhân

Việc thu cước các thuê bao mạng cố định, băng rộng không quá phức tạp, dễ thu và đảm bảo tỷ lệ thu nhờ có chương trình quản lý thuê bao nợ. Nhưng với các thuê bao di động Vinaphone (VNP), công tác này khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Bởi hàng loạt chương trình khuyến mãi của các nhà mạng, cũng là do khách hàng luôn rời bỏ mạng, một trong những nguyên nhân làm thất thoát cước. Một trong những nguyên nhân khó khăn trong thu cước VNP là do chương trình VNP không ổn định, khách hàng biến động thường xuyên so với địa chỉ đăng ký ban đầu. Điều này làm hạn chế quá trình thực hiện gọi điện thoại để hẹn khách hàng thu cước tận nhà cũng như chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng Vinaphone nhưng không có khả năng thanh toán… Tính sơ bộ, năm 2010, cước VNP thu từ 70% đến 73%/tháng, năm 2011 đã tăng lên từ 84% đến 86%/tháng nhưng tỷ lệ tăng trưởng rất chậm và chỉ dừng lại khoảng 90%.
 
Giải pháp

Tìm được ẩn số, việc triển khai chỉ còn sự đồng lòng của Ban Giám đốc, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên với mục tiêu nhằm đến tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, đồng nghĩa với tăng thu nhập. Chị đã cùng Ban Giám đốc chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như: rút ngắn thời gian tính, in cước, đảm bảo phát giấy báo cước đến tay khách hàng; tăng cường thu cước qua kênh đại lý và hệ thống các điểm giao dịch; tổ chức tập huấn cho các đại lý trong công tác thu cước; tăng cường công tác quản lý khách hàng nhằm hạn chế phát triển thuê bao ảo và phát sinh cước rủi ro, chỉ đạo thành lập các nhóm công tác chuyên trách theo dõi tiến độ thực hiện các giải pháp thu cước, phát triển thuê bao mới, phân tích và đề xuất các biện pháp kịp thời và phù hợp để nhằm mục tiêu hướng đến phát triển đối tượng khách hàng trung thành, bền vững và nâng cao tỷ lệ thu đạt qui định của Tập đoàn.
 
Những con số biết cười

Trong năm 2012, chị tiếp tục chỉ đạo hàng loạt các giải pháp như: xây dựng chương “Quản lý nợ -CCBs”của VNP tương tự như chương trình quản lý nợ viễn thông của dịch vụ cố định. Đồng thời, mở rộng các kênh thu cước, đặc biệt là thu cước VNP, qua hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán điện tử. Đẩy mạnh công tác thu nợ; xây dựng quy trình phối hợp với các đơn vị phát triển dịch vụ trong quá trình phối hợp thu cước, thu nợ đối với khách hàng lớn, đặc biệt, mới phát sinh. Cuối cùng, đó là biện pháp xây dựng chính sách tạo động lực cho những đại lý thu cước giỏi, nhân viên quản lý thu cước giỏi, nhân viên thu nợ giỏi định kỳ hàng tháng, hàng năm nhằm động viên, khuyến khích những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thu cước, giúp họ thu cước tốt hơn. Tính đến 31/8/2012 tỷ lệ thu cước dịch vụ di động VNP 6 tháng đầu năm 2012 là 94,39%, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm 2011 (91,67%). Tổng tỷ lệ thu cước năm 2011 của toàn đơn vị đạt 97, 41%, tăng 2% so cùng kỳ năm 2010. Tổng tỷ lệ thu của các dịch vụ 6 tháng đầu năm 2012 là 97 %, tăng 1.21 % so với cùng kỳ năm 2011.
 
Nhìn những con số biết cười ấy, chị tâm sự: kết quả của công tác thu cước chính là kết quả công sức lao động, đóng góp của từng cán bộ công nhân viên trong hoạt động của toàn đơn vị, của toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT Thành phố Hồ Chí Minh. Chị luôn theo sát mọi hoạt động để đưa ra các chỉ đạo kịp thời, các giải pháp hiệu quả để không ngừng nâng cao tỷ lệ thu cước của VNPT Thành phố Hồ Chí Minh. Đó chính là những tâm huyết của chị đóng góp cùng VNPT trước khi về nghỉ  theo chế độ vào cuối năm 2013. Nhiều năm liền chị đạt chiến sĩ thi đua và bằng khen các cấp của Ngành bưu chính, viễn thông Việt Nam.