Hiệp định TPP và các cam kết trong lĩnh vực viễn thông

Việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các tiêu chuẩn cao mới cho thương mại và đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là một bước gần hơn đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập cho toàn khu vực. Bài viết giới thiệu tóm tắt các nội dung chính của hiệp định và toàn văn chương tóm tắt các cam kết về viễn thông.

img
Ngày 4/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán  với kết quả là một Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, và bảo vệ môi trường.
 
Nội dung chính của Hiệp định
 
Có năm đặc điểm chính đã làm TPP trở thành một Hiệp định quan trọng của thế kỷ 21, đặt ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề của thời đại mới.  Những đặc điểm đó bao gồm:
 
- Tiếp cận thị trường toàn diện: TPP đã xóa bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan một cách đáng kể đối với mua bán hàng hóa và dịch vụ, bao trùm một mảng lớn về thương mại, bao gồm hàng hóa, dịch vụ, và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội mới và lợi ích cho doanh nghiệp, công nhân, và người tiêu dùng của các nước ký kết.
 
- Cách tiếp cận các cam kết khu vực: TPP hỗ trợ sự phát triển sản xuất, chuỗi cung ứng, và thương mại liền mạch, tăng cường hiệu quả, tạo và hỗ trợ việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường các nỗ lực bảo tồn, hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới, cũng như mở cửa thị trường trong nước. 
 
- Giải quyết các thách thức thương mại mới: TPP thúc đẩy sự đổi mới, năng suất, và tính cạnh tranh nhờ vào việc xem xét giải quyết các vấn đề mới, trong đó có phát triển kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.
 
- Thương mại toàn diện: TPP bao gồm các yếu tố mới nhằm đảm bảo các nền kinh tế ở các mức độ phát triển khác nhau và các doanh nghiệp có quy mô khác nhau đều có thể đạt được lợi ích từ thương mại. Hiệp định bao gồm cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu được Hiệp định, nắm bắt các cơ hội, và buộc chính quyền các nước tham gia TPP phải chú ý đến những thách thức đặc thù của mình.  Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và xây dựng năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các Bên có thể tuân thủ cam kết trong Hiệp định và tận dụng được những lợi ích. 
 
- Nến tảng hội nhập khu vực: TPP được định hình như một nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và nhắm đến cả những nền kinh tế khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 
 
Phạm vi áp dụng
 
 - TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương “ngang” nhằm mục đích đảm bảo TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh, và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.
 
- Ngoài cập nhật các phương pháp truyền thống đối với vấn đề của các hiệp định thương mại tự do trước đây, TPP còn đưa vào các vấn đề thương mại mới và các vấn đề xuyên suốt, bao gồm các vấn đề liên quan đến Internet và nền kinh tế kỹ thuật số, sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư và thương mại quốc tế, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại, và các chủ đề khác.
 
- TPP kết nối một nhóm gồm nhiều nước đa dạng về mặt địa lý, ngôn ngữ và lịch sử, kích thước và mức độ phát triển. Tất cả các nước ký kết TPP nhận thấy rằng sự đa dạng là một tài sản đặc thù, nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, xây dựng năng lực cho các nước TPP kém phát triển hơn, và phát triển năng lực để thực hiện những nghĩa vụ mới trong một số trường hợp trong thời gian chuyển tiếp đặc biệt và có cơ chế cho phép một số Bên thêm thời gian.   
  
Các cam kết về viễn thông
 
Các nước TPP đều bày tỏ quan tâm đến việc đảm bảo tính hiệu quả và tin cậy của mạng viễn thông của mình. Các mạng này đóng vai trò quan trọng đối với các công ty cung cấp dịch vụ bất kể quy mô hoạt động lớn hay nhỏ. Các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy tắc truy cập mạng cạnh tranh hơn được thỏa thuận trong Hiệp định TPP.
 
Các nước TPP cam kết đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn ở mỗi quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ kết nối, thuê đường dẫn truyền của nhau, cho thuê chỗ đặt máy chủ và được phép sử dụng cột phát tín hiệu và các trang thiết bị khác theo đúng với các điều khoản liên quan và đúng thời điểm.
 
Các quốc gia cũng cam kết là khi được cấp giấy phép thì mỗi quốc gia sẽ đảm bảo các quy trình và quy định pháp lý của mình không phân biệt đối xử với bất kỳ công nghệ cụ thể nào. Bên cạnh, họ cũng cam kết thực hiện các quy trình phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên viễn thông đặc thù của riêng mình, bao gồm tần số, kho số và quyền ưu tiên trên cơ sở khách quan, đúng lúc, minh bạch và không phân biệt đối xử. Các nước TPP công nhận tầm quan trọng của các tác nhân thị trường và các thỏa thuận thương mại trong lĩnh vực viễn thông. 
 
Các quốc gia cũng thỏa thuận sẽ hành động theo các bước nhằm khuyến khích cạnh tranh trong các dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các giải pháp thay thế cho dịch vụ chuyển vùng quốc tế.  Các nước TPP cũng thống nhất rằng trong trường hợp một nước thành viên quy định mức thuế suất áp dụng cho việc bán buôn các dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế, nước đó sẽ cho phép các nhà khai thác dịch vụ của các nước TPP không quy định mức thuế suất này có được cơ hội nhận được ưu đãi bằng cách áp dụng mức thuế thấp hơn.
 
Lời kết
 
Hiệp định TPP tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước trong khối nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đồi với các cơ quan quản lý.  Cụ thể về viễn thông, các quốc gia cam kết không phân biệt đối xử với bất kỳ công nghệ cụ thể nào; thực hiện các quy trình phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên viễn thông đặc thù của riêng mình, bao gồm tần số, kho số không phân biệt đối xử; khuyến khích cạnh tranh trong các dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các giải pháp thay thế cho dịch vụ chuyển vùng quốc tế. Như vậy, việc quy định về giá cước quốc tế cũng như, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế cấn sớm có biện pháp phát triển mà không cần đến sự bảo hộ của nhà nước./.
Nguồn: (theo Tạp chí CNTT&TT)