Xây dựng thành phố thông minh – Những trải nghiệm qua một chuyến đi

Ngày nay một nửa dân số thế giới sinh sống ở các thành phố, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, số dân thành thị sẽ tăng lên đến 6,3 tỷ người trong năm 2050. Với việc đô thị hóa thì nhu cầu cần phải có một mô hình thành phố thông minh bền vững, xem xét các nguồn lực và tích hợp các đặc tính của thành phố sinh thái với thành phố thông minh.

img

 Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (người đứng thứ 8 từ trái sang hàng đầu tiên) Tham dự diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Hàn Quốc

Và có thể thấy, việc xây dựng một “thành phố thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.  Nói một cách dễ hiểu, “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng. Thành phố thông minh hội tụ nhiều yếu tố như: Nền kinh tế thông minh, Di chuyển thông minh, Môi trường thông minh, Quản lý đô thị hiện đại, cư dân thông minh, cuộc sống thông minh... Và trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”) sẽ đóng vai trò trung tâm.
 
Nhận thức được vai trò của việc xây dựng Thành phố thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu báo cáo UBND TP Hà Nội triển khai xây dựng đề án Thành phố thông minh và hiện nay đang trong quá trình hoàn tất công việc của đề án để báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2015.  Chúng tôi rất mong muốn tìm tòi và cần có những trải nghiệm thực tế trong việc xây dựng thành phố thông minh từ những nước mạnh về CNTT và Truyền thông như Nhật Bản, Hàn Quốc .  Do đó việc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội được tham gia đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là trưởng đoàn tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong các ngày từ 30/6- 9/7/2015 là hết sức có ý nghĩa. 
 
img
 
Mô hình Smartcity
 
Chuyến công tác  đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi phương diện cho mọi thành viên tham gia đoàn: từ hợp tác song phương trong lĩnh vực CNTT và Truyền giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với các Bộ Hành chính và  Nội vụ, Bộ Khoa học CNTT và tương lai của  Hàn Quốc , và Bộ Nội vụ và Truyền thông của Nhật Bản, đến các vấn đề hợp tác, xúc tiến đầu tư giữa các tập đoàn, tổng công ty mạnh trong lĩnh vực CNTT và viễn thông của Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản về CNTT, điện tử, viễn thông. 
 
Đối với các địa phương tham gia đoàn, bên cạnh các cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư về CNTT và Truyền thông cho địa phương tại các điễn đàn xúc tiến đầu tư, chúng tôi còn được tham khảo mô hình và kinh nghiệm hết sức bổ ích trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, đặc biệt xây dựng thành phố thông minh.  Đoàn công tác của Bộ bố trí cho một số thành viên của đoàn và 3 địa phương tham gia đoàn công tác: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An tham quan và nghe đại diện của tập đoàn Hitachi thuyết trình về thành phố thông minh “Kashiwa-no-sha smart city”  do tập đoàn Hitachi đang triển khai. Những trải nghiệm thực tế giúp cho Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có sự nhìn nhận thấu đáo hơn để xem xét và  lựa chọn được những lĩnh vực cần ưu tiên cũng như  cách thức, phương pháp triển khai khi xây dựng đề án Thành phố thông minh cho Hà Nội. 
 
Chuyến công tác giúp chúng tôi không chỉ” đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà là “học nhiều sàng khôn”. Hy vọng sau chuyến công tác, ngành thông tin và truyền thông ngày càng phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT. Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần, xứng đáng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, thông tin và truyền thông của cả nước./.