Ngành Thông tin và Truyền thông với biển, đảo thân yêu

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Hưởng ứng Chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu năm 2015”, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

img
Thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao tặng 4 tỷ đồng cho đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân

 Những hoạt động thiết thực

Đúng vào dịp Kỷ niệm 40 năm Giải phóng Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2015), Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu năm 2015”, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ làm công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại; công tác nhân quyền; các Bộ, ngành, địa phương có điều kiện đi thực tế để tìm hiểu, giao lưu với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
 Cũng nhân chuyến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Triển lãm “Trường Sa, DK1 – Xây dựng và phát triển” tại xã đảo Song Tử Tây, với 100 bản đồ và hơn 200 bức ảnh. Dịp này, Đoàn công tác số 9 do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn làm trưởng Đoàn đã trao tặng bộ bản đồ gốm khẳng định chủ quyền biển, đảo tại đảo Trường Sa; thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các đảo Đá Nam, Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Trường Sa, Đá Lát, Phúc Tần, Huyền Trân (DK1/17, DK1/18).
 
img
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn giới thiệu về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
img
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa bức ảnh lưu niệm 
Phát biểu khai mạc Triển lãm “Trường Sa, DK1 – Xây dựng và phát triển” tại xã đảo Song Tử Tây, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Tư liệu, hiện vật trưng bày ở đây là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam, từ các nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc; góp phần minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là những phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong hơn 400 năm qua theo đúng luật pháp quốc tế. "Chúng ta nhớ ơn các thế hệ người dân Việt Nam đã đổ mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ biển, đảo, bảo vệ di sản quý giá của tổ tiên để lại" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
img
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn bên tủ sách tại đảo chìm Đá Nam
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực hướng về biển, đảo quê hương, hướng về Trường Sa thân yêu. Đó không chỉ là vật chất mà còn là những tình cảm chân thành, sự sẻ chia sâu sắc của người Bưu điện tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa. Đặc biệt, cách đây một năm, trong Chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu 2014”, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động 2 điểm Bưu điện văn hóa tại đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa. Hiện 2 điểm Bưu điện văn hóa này đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, bưu phẩm, bưu kiện, dịch vụ viễn thông, tổ chức hoạt động đọc sách báo miễn phí… Qua đó giúp người dân và chiến sỹ thuận tiện hơn trong việc liên lạc, trao đổi thông tin với người thân trên mọi miền đất nước; rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với Trường Sa…
 
img
Chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây tham quan triển lãm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Đặc biệt, cũng nhân chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa với tổng số tiền 4 tỷ đồng do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông ủng hộ. Và tối 12/5/2015, tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng số tiền trên cho Bộ Tư lệnh Hải quân. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ: Đây là hoạt động thiết thực mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, là tấm lòng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông cùng cả nước hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng nhân dịp này, các đơn vị gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông; các Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An, Hà Nam, Bến Tre... đã tặng máy tính xách tay, sim, thẻ, máy điện thoại và hàng trăm cuốn sách, báo có giá trị,... cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
 
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa bất khả xâm phạm
 
Trong diễn văn tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển, đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt Nam đã liên tục xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển và hải đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
 img
Một góc đảo Trường Sa 
Thứ trưởng xúc động: Kể sao hết những hành động dũng cảm, những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, xương máu và thân thể của các anh đã hòa mình cùng sóng biển quê hương, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng, bất diệt, khí phách sáng ngời của các anh đã làm kẻ thù phải khiếp sợ. Các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp của anh “Bộ đội cụ Hồ”, tô thắm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”.
"Với tất cả tình cảm, niềm xúc động sâu sắc, Đoàn công tác số 9 xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ tri ân và lòng biết ơn vô bờ bến, cầu chúc anh linh các anh yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước, phù hộ độ trì cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển, trời Việt Nam; giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc" – Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nghẹn ngào.
Trung tá Trần Xuân Văn, Phó trưởng phòng Tuyên huấn - Cục chính trị (Quân chủng Hải quân) quyết tâm: "Tiếp bước các thế hệ đi trước, noi gương các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này, từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi xin nguyện thề luôn xứng đáng với vai trò tiên phong về bản lĩnh và trí tuệ; gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực công tác; thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; thiết thực đóng góp sức mình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân nhân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ".
img

Đoàn công tác tham quan trên đảo Nam Yết

Thượng tá Nguyễn Văn Lý, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết - người đã có thâm niên gắn bó với Trường Sa cho biết: Nhiều năm giữ chắc tay súng bảo vệ biển, đảo quê hương, với tôi những cái tên như: Đá Nam, Đá Lát, Song Tử Tây, Nam Yết… đã trở nên gắn bó, thân thuộc như một phần máu thịt. Trường Sa từ những ngày đầu tôi đặt chân lên đảo có quá nhiều gian truân. Từ lúc còn đèn dầu tù mù, nhà cửa sơ sài, cây cối hoang sơ mà vẫn phải chống chọi lại mọi phong ba bão táp, đến nay tất cả các đảo đều đã có điện sáng, nhà cửa khang trang, cây cối xanh tươi tựa như những bông hoa đua nở giữa trùng khơi sóng gió. Với ý chí quyết tâm không khuất phục trước khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên, không trông chờ, ỷ lại vào hoàn cảnh, cùng với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức mình là chính, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, thậm chí là cả máu của mình để xây dựng các đảo ngày càng xanh - sạch - đẹp. Sức lực và ý chí con người đã bắt sóng phải vẽ hoa nơi đầu sóng thiêng liêng của Tổ quốc.

img

Đảo Nam Yết

img

Ngọn Hải đăng trên đảo Nam Yết

Thượng tá Lý nhớ lại: "Trường Sa cách đây chưa lâu, kể cả đảo nổi lẫn đảo chìm đều có điểm chung là khí hậu khắc nghiệt, nước ngọt rất khan hiếm. Nắng gió như thiêu đốt thịt da, khắc nghiệt như thế nên chỉ có một vài loài “đặc chủng” ở đây như giống bàng vuông, phong ba sống nổi nhưng cũng còi cọc bởi những ngày tháng gió muối triền miên. Ngay đến đảo Nam Yết này, có lớp đất dày tươi tốt nhất trong số các đảo nổi nhưng cách đây độ chục năm, màu xanh của cây cũng hãn hữu lắm. Biết bao sức người vun trồng mới có thể biến đảo khô thành đảo xanh tràn đầy sức sống như ngày nay". 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Lý, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết nói riêng luôn phát huy truyền thống vẻ vang “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” của lực lượng Hải Quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm vững chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường; xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh – sạch – đẹp; nền nếp, chính quy; chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết luôn quán triệt và khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, cống hiến tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.