Hồ Chí Minh - Biểu tượng của Hòa bình và Hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh “Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” do tác giả Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương sưu tầm và biên soạn.

img

 Bìa cuốn sách

Trong lời giới thiệu cuốn sách, TS. Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn cuộc đời đấu tranh cho nền hòa bình thực sự, cho giải phóng dân tộc, giải phóng con người và cho tình đoàn kết hữu nghị quốc tế giữa các dân tộc. Người đã đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính thì mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. 

Suốt 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người đã hòa mình vào phong trào cách mạng của công nhân, tham gia thành lập nhiều tổ chức quốc tế nhằm tập hợp những người yêu hòa bình, đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc và mong muốn hợp tác hữu nghị với nhân dân toàn thế giới. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định chiến lược hòa bình, kiên trì con đường thương lượng, đối thoại nhằm giải quyết các xung đột. Kể cả đến khi kẻ thù buộc nhân dân ta phải đứng lên cầm súng kháng chiến, Người vẫn giương cao ngọn cờ hòa bình, vẫn liên tục gửi thư đến Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân Pháp, kêu gọi họ chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp hòa bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định chính sách ngoại giao của Việt Nam là “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “nhằm xây đắp nền hòa bình thế giới”. Người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, nhằm duy trì và củng cố hòa bình, hữu nghị với các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Người đã thường xuyên đi thăm hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng ở châu Á, đến đâu Người cũng thể hiện tình cảm chân thành và nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam là được sống trong hòa bình, độc lập, có quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới.

Tư tưởng hòa bình, hợp tác, hữu nghị, đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng có tầm chiến lược, đi trước thời đại, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta hợp tác cùng phát triển với các quốc gia trong và ngoài khu vực. Tư tưởng của Người đã và đang được vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện đang có nhiều biến đổi phức tạp với những cơ hội và mưu đồ đan xen, tác động đến nền hòa bình và tình hợp tác, hữu nghị của nước ta với các nước trên thế giới.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” đã khắc họa một cách chân thực và xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những bức ảnh lịch sử quý giá: từ khi bước chân đi tìm đường cứu nước cho đến khi hoàn thành trọn vẹn vai trò của người đứng đầu Nhà nước; những khoảnh khắc tiễn đưa Người đi xa; những tình cảm ngợi ca, trân trọng và kính phục của bạn bè quốc tế về cuộc đời và sự nghiệp của Người. 

Cuốn sách  gồm 2 phần: Phần I: Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạt động ngoại giao đấu tranh vì hòa bình. Trong phần này chia thành những phần nhỏ, lưu lại những khoảnh khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi bước chân đi tìm đường cứu nước năm 1911 cho đến khi Người về với cõi vĩnh hằng năm 1969. 
 
Phần II: Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình - hữu nghị và đoàn kết quốc tế. Phần II là những hình ảnh tiếc thương của bè bạn quốc tế khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa; những ngợi ca, đánh giá, cảm tưởng của bạn bè quốc tế về cuộc đời, con người Bác và cả những tượng đài, công trình lưu niệm, nơi Người đã sống và làm việc,.../.